Người dân không biết cơ quan nào tiếp nhận tố cáo

Ngày 29-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý vào dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ-pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ trì hội nghị.

Qua thảo luận, nội dung mà các đại biểu quan tâm đó là dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, quy định rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng, tiêu cực.

Người dân không biết cơ quan nào tiếp nhận tố cáo

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ trì cuộc họp góp ý Luật Tố cáo sửa đổi tại Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đặt vấn đề hiện nay có tình trạng người dân không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ-pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng dự án luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định rõ cơ quan tiếp nhận tố cáo để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo.

Theo ông Thường, trở ngại chính khiến người dân ngại tố cáo chính là vì sợ bị trù dập, trả thù. Chính vì vậy dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan nào chủ trì chính trong tiếp nhận tố cáo. Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ cơ quan nào bảo vệ người tố cáo, hình thức bảo vệ như thế nào để người dân đọc luật hiểu được và đến đúng địa chỉ để thực hiện quyền tố cáo.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Quách Sĩ Hùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, phải quy định rõ trách nhiệm xử lý tố cáo để tránh sự đùn đẩy, bao che cũng như bảo vệ được bí mật cho người tố cáo.

Ông Hùng đề xuất Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định cụ thể các cơ quan tiếp nhận tố cáo. Các cơ quan này phải công khai địa chỉ, số điện thoại để người dân biết từ đó thực hiện quyền tố cáo.

Góp ý vào cơ chế bảo vệ người tố cáo, ông Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng Tư vấn dân chủ-pháp luật, cho rằng các quy định về nội dung bảo vệ cần cụ thể, thiết thực để có tính khả thi hơn. Luật không nên thu hẹp mà cần mở rộng người được bảo vệ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo vệ người tố cáo.

Ông Nghị kiến nghị người được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà phải bao gồm cả những người thân thích của người tố cáo như vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo cần tập trung vào các biện pháp bảo vệ thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, danh dự, uy tín… để khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến việc mở rộng các hình thức tố cáo qua việc dùng thư điện tử, đơn tố cáo, điện thoại, mạng xã hội để khích lệ người dân mạnh dạn tố cáo góp phần xây dựng một nền công vụ trong sạch, pháp luật nghiêm minh. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong bảo vệ người tố cáo, giám sát, theo dõi việc giải quyết tố cáo, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, hòa giải ở cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm