Người ‘man man’ phạm tội, có phải là côn đồ?

Bị cáo Nguyễn Hồng Hạnh và ông Ngô Văn Nở nhà ở cạnh nhau trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7 (TP.HCM).

Vô cớ đánh hàng xóm

Chiều 17-8-2014, ông Nở đến nhà bà H. (đối diện nhà Hạnh) trả máy xay sinh tố và đứng trước cửa nói chuyện với bà H. Khi ông Nở ra về, Hạnh bất ngờ từ trong nhà đi ra, dùng xà beng sắt đánh một cái trúng vào đầu rồi trượt xuống vai ông Nở. nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Theo kết luận giám định, ông Nở bị tỉ lệ thương tật 50%.

Công an vào cuộc xử lý, thấy Hạnh có những biểu hiện bất thường về tâm thần nên đưa đi trưng cầu giám định pháp y về tâm thần. Theo kết luận của Phân viện phía Nam - Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, về y học Hạnh “bị bệnh rối loạn cảm xúc không ổn định (suy nhược) thực tổn/biến đổi nhân cách lâu dài khác”. Về pháp luật, tại thời điểm gây án và hiện tại, Hạnh có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh, đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Hạnh khi xét xử.

Luật sư nói không côn đồ, tòa lắc đầu

Theo BLHS hiện hành, trường hợp người gây án bị hạn chế do bệnh tâm thần như Hạnh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nên Hạnh bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS với hai tình tiết tăng nặng định khung là “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ”.

Bị cáo Nguyễn Hồng Hạnh quay lại tìm người thân khi bị dẫn giải về trại giam. Ảnh: H.YẾN

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận 7, một chi tiết pháp lý đáng chú ý là khi tranh luận, luật sư của Hạnh đã đề nghị tòa không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội “có tính chất côn đồ” đối với Hạnh vì bị cáo bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi theo kết luận giám định. Việc bị cáo gây án có thể xuất phát từ nguyên nhân không được bình thường về mặt tâm thần nên kết luận bị cáo phạm tội “có tính chất côn đồ” là hoàn toàn không ổn.

Tuy nhiên, HĐXX không đồng tình, cho rằng bị cáo từng có hai tiền sự về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác, nay lại dùng hung khí nguy hiểm đánh vào đầu người bị hại là hành vi “có tính chất côn đồ”. Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt Hạnh năm năm tù (cao hơn đề nghị của đại diện VKS là từ ba năm tù đến bốn năm tù). Sau đó Hạnh kháng cáo xin giảm án nhưng TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác đơn của Hạnh.

Hiểu sao cho hợp lý?

Từ vụ án trên, vấn đề đặt ra là có nên áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội “có tính chất côn đồ” với người gây án trong thời điểm năng lực nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế do bệnh tâm thần hay không?

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), người có bệnh về tâm thần, thần kinh không ổn định thì nhận thức, lý trí, khả năng kiểm soát, điều khiển hành vi của họ sẽ không được như người bình thường. Ở trường hợp trên, việc các cơ quan tố tụng cho rằng hành vi vô cớ đánh người của bị cáo là côn đồ có phần thiệt thòi, gây bất lợi cho bị cáo. Để không làm xấu hơn tình trạng pháp lý của bị cáo thì không nên áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại có nhận định khác. Theo ông, kết luận giám định xác định rõ bị cáo Hạnh hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm hình sự. Việc bị cáo bị hạn chế về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh tâm thần đã được đề nghị xem xét áp dụng là tình tiết giảm nhẹ. “Như vậy cần phải rạch ròi giữa các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. BLHS không có quy định miễn trừ nên nếu hành vi của người gây án có tính côn đồ thì vẫn phải xem xét áp dụng” - TS Tuấn nói.

Cần có hướng dẫn

Hiện nay BLHS không quy định, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn về tình huống cụ thể này. Do đó việc xem xét, quyết định có áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tính chất côn đồ đối với bị cáo bị hạn chế về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh tâm thần hay không vẫn phụ thuộc vào sự đánh giá, cân nhắc của từng HĐXX trong từng vụ án. Để thống nhất trong xét xử, tôi nghĩ các cơ quan tố tụng trung ương cần có văn bản hướng dẫn kịp thời.

Một thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM

Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

(Theo Điều 13 BLHS 1999)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm