XỬ VỤ NĂM CÔNG AN PHÚ YÊN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI

Nguyên phó Công an Tuy Hòa được đề nghị án treo

Chiều 10-4, tại phiên tòa xử vụ công an Phú Yên đánh chết người, đại diện VKSND tỉnh này đã đề nghị HĐXX phạt bị cáo Lê Đức Hoàn (thượng tá, nguyên phó Công an TP Tuy Hòa) 9-12 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở tội dùng nhục hình, viện đề nghị phạt Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa) 7-8 năm tù; hai bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - PC45 Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) mỗi bị cáo 2,5-3 năm tù; Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 2-2,5 năm tù; Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) từ hai năm đến hai năm ba tháng tù treo.

Hợp thức hóa việc bắt giữ người trái pháp luật

Đại diện VKS nhận định: Việc bắt giữ, dẫn giải Ngô Thanh Kiều (nạn nhân bị năm công an đánh chết) khi không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, do tính cấp thiết cần phải đấu tranh khai thác của chuyên án, ở thời điểm đó, Kiều được xác định là đồng phạm trong vụ án trộm cắp tài sản, là đối tượng có tiền án, tiền sự, sau khi gây án đã bỏ trốn… nên việc bắt giữ Kiều là cần thiết, chỉ vi phạm về mặt tố tụng.

Trong khi trả lời tòa, các nhân chứng (là công an) đều thừa nhận việc bắt giữ, dẫn giải Kiều hoàn toàn không có lệnh. Lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Công an xã Hòa Đồng, do HĐXX công bố, cho biết trước khi bắt Kiều, ông Thắng được yêu cầu làm giấy mời anh Kiều đến Công an xã Hòa Đồng làm việc. Lúc 3 giờ sáng 13-5-2012, khi đến “kiểm tra hành chính”, các công an đã còng tay, bắt Kiều đưa đi. Ông Thắng thừa nhận: “Chúng tôi kiểm tra hộ khẩu nhà Kiều không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền. Tôi thừa nhận mình làm không đúng pháp luật”.

Bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên phó Công an TP Tuy Hòa, được đề nghị án treo. Ảnh: TẤN LỘC

Còn ông Nguyễn Văn Lai, người trực tiếp còng tay bắt giữ Kiều, thanh minh: “Do Công an TP Tuy Hòa bảo đồng bọn Kiều đã khai nhận nên tôi nghĩ rằng họ đã có đầy đủ hồ sơ, tôi mới còng tay Kiều lại. Tôi là bạn học của Kiều, tôi rất ái ngại nhưng các anh bảo tôi còng thì tôi còng!”. Tương tự, ông Trương Quốc Dũng (Công an TP Tuy Hòa) nói: “Tôi thấy việc bắt, còng tay là không đúng quy định pháp luật nhưng tôi không có ý kiến gì”.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Thành) viện dẫn nhiều tài liệu, chứng cứ cho rằng đã có sự hợp thức hóa thủ tục nhằm bao che cho hành vi bắt người vào ban đêm không có lệnh. Sau khi anh Kiều bị đánh chết vào chiều 13-5-2012, lúc 19 giờ cùng ngày, lãnh đạo công an tỉnh, VKS tỉnh, các phòng PC45, PC44 và Công an TP Tuy Hòa họp tại hội trường cơ quan CSĐT công an tỉnh để nghe báo cáo và thống nhất cho Công an TP Tuy Hòa hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong việc bắt giữ anh Kiều. Sau đó ông Lê Đức Hoàn chỉ đạo Nguyễn Tấn Quang cùng Nguyễn Hồ Chu Toàn (Công an TP Tuy Hòa) đến Công an xã Hòa Đồng lập biên bản xác minh Kiều vắng mặt tại địa phương, gửi giấy triệu tập ghi ngày 12-5-2012 để hợp thức hóa về mặt thủ tục. Theo lời khai của nhân chứng Toàn, ngay trong đêm 13-5-2012, ông Toàn và Quang đã khẩn cấp đến xã Hòa Đồng để hợp thức hóa việc bắt giữ anh Kiều với lời dặn của Lê Đức Hoàn là “cố gắng làm lại giấy triệu tập”.

Đề nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án

Luật sư Thắng viện dẫn nhiều tài liệu, chứng cứ cho rằng hầu hết giai đoạn tố tụng đều có vi phạm. Rất nhiều tài liệu, chứng cứ cho thấy trong giai đoạn điều tra, các bị cáo tại ngoại được mớm lời, thông cung. Mặt khác, điều tra viên đã sửa chữa lời khai, tạo chứng cứ giả, tiêu hủy, tráo đổi chứng cứ vụ án. “Chẳng hạn, công văn xin miễn trách nhiệm hình sự cho Đỗ Như Huy có dấu hiệu bị hủy, thay bằng công văn của Công an TP Tuy Hòa xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho năm bị cáo” - luật sư Thắng nêu.

Khi chủ tọa phiên tòa đưa ra vật chứng là cây gậy cao su do cơ quan điều tra thu giữ, bị cáo Thành khẳng định không phải là cây gậy cao su để trên bàn trong phòng lấy lời khai Ngô Thanh Kiều. “Cây gậy vật chứng này không phải là cây gậy tôi cầm trong phòng lấy lời khai anh Kiều. Khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào làm việc, cây gậy cao su đó đã bị thất lạc. Cây gậy cao su làm vật chứng này rất mới, chắc chắn là họ lấy cây khác thay thế vào” - bị cáo Thành nói.

Trong phần bào chữa, luật sư Thắng viện dẫn nhiều lời khai mâu thuẫn nhau của các nhân chứng và cho rằng có dấu hiệu của tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời đề nghị HĐXX khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Hôm nay (11-4) tòa tạm nghỉ. Sáng 13-4, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Cán bộ công an tự sắm roi điện riêng?

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành khai trước khi anh Kiều bị đánh chết, có ba cán bộ Công an TP Tuy Hòa có sắm roi điện sử dụng cho cá nhân là Võ Công Phi, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy. Luật sư Võ An Đôn đề nghị HĐXX làm rõ nghi vấn của gia đình người bị hại là trên thi thể nạn nhân có nhiều vết thương nghi bị cháy do roi điện.

Hành vi bắt giữ người trái pháp luật đã rõ

Nguyên phó Công an Tuy Hòa được đề nghị án treo ảnh 2
 
Diễn biến phiên tòa cho thấy do bị tình nghi nên ngày 12-5-2012, Công an xã Hòa Đồng đến nhà đưa giấy mời cho anh Ngô Thanh Kiều hẹn sáng 13-5-2012 đến Công an huyện Tây Hòa làm việc. Nhưng mới 3 giờ sáng 13-5-2012, một nhóm công an đã đến nhà còng tay bắt anh Kiều đi. Rõ ràng công an huyện mới chỉ có giấy mời anh Kiều lên làm việc, hoàn toàn không có lệnh bắt đã được VKS cùng cấp phê chuẩn mà còng tay bắt người là sai. Anh Kiều cũng không bị bắt “nóng” theo hai trường hợp luật quy định được quyền còng tay bắt là bắt khẩn cấp và bắt phạm tội quả tang. Như vậy, bất luận vì lý do gì thì việc công an còng tay bắt anh Kiều trong trường hợp này cũng là hành vi bắt giữ người trái pháp luật vì không tuân thủ trình tự thủ tục của việc bắt người đã được BLHS quy định rất chặt chẽ.

Tại phiên tòa ngày 7-4, bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó Công an TP Tuy Hòa, bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) khẳng định mình không chỉ đạo và không biết việc cán bộ cấp dưới cùng Công an huyện Tây Hòa đến bắt anh Kiều lúc 3 giờ sáng 13-5-2012. Bị cáo Hoàn cho rằng chỉ yêu cầu cấp dưới ở lại huyện Tây Hòa giám sát, khi nào anh Kiều về nhà thì mời đến Công an TP Tuy Hòa làm việc. Chi tiết này (nếu đúng) càng khẳng định việc bắt người của những công an trong vụ án này là hành vi trái pháp luật. Nhưng tôi khẳng định rằng không chỉ đến khi có lời khai này thì mới lộ ra tội danh mới mà ngay từ đầu, chuyện bắt người không có lệnh là đã thỏa mãn dấu hiệu của tội này. Tôi nghĩ HĐXX cần hết sức lưu tâm vấn đề này.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng phải chấn chỉnh ngay hiện tượng nghi can chết bất thường tại trụ sở công an. Bởi thực tế ai cũng biết đó là hậu quả của việc bắt người đôi khi quá dễ dàng, không theo một trình tự luật định như trong vụ án này. Quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ theo hướng bảo vệ tối đa nhưng thực tiễn thực hiện thì chúng ta đang cố tình làm xấu đi những quy định đó. Đây là một điều hết sức nguy hiểm, nó đang ngày làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào cơ quan được trao quyền hành pháp và tư pháp và mất niềm tin vào chế độ.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND
Tối cao tại TP.HCM

Phải là tội giết người mới đúng!

Nguyên phó Công an Tuy Hòa được đề nghị án treo ảnh 3
 
Tuy đổ tội cho nhau nhưng tất cả bị cáo trực tiếp đánh anh Kiều đều thừa nhận hành vi tra tấn nạn nhân của mình. Với hành vi này, trước đây nhiều chuyên gia đầu ngành đều đã phân tích và cho rằng các bị cáo tuy có hành vi dùng nhục hình nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội dùng nhục hình là không chính xác. Bởi lẽ anh Kiều chưa bị khởi tố bị can nên chưa thể coi các hành vi tiền tố tụng này là hành vi hoạt động tư pháp được!

Theo quy định của BLHS thì các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có tội dùng nhục hình phải là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ngay cả khi anh Kiều đã bị khởi tố mà các điều tra viên có hành vi dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình, mà phải truy cứu về tội giết người. Là thẩm phán, ai chẳng biết điều hiển nhiên đó!

Về vụ án này, nhiều chuyên gia pháp lý, trong đó có cả những người đã và đang công tác trong các cơ quan tố tụng, cũng như các luật sư, những người làm công tác giảng dạy pháp luật ở các trường đại học, tuy cách lập luận có khác nhau nhưng đều không đồng tình với việc truy tố của VKS về tội danh dùng nhục hình đối với năm bị cáo.

Hy vọng rằng với tinh thần cải cách tư pháp, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên hãy phát huy tính độc lập, mạnh dạn trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhằm truy tố các bị cáo về tội giết người và tội bắt người trái pháp luật. Như thế mới phản ảnh đúng tính chất phạm tội do các bị cáo gây ra, đồng thời lấy lại lòng tin của người dân vào công lý.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm