Nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre được giảm án

Ngày 4-12, TAND tỉnh Bến Tre đã xét xử phúc thẩm, tuyên giảm án cho hai bị cáo: Trần Văn Hùng (nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre); Võ Văn Ngàn (nguyên giám đốc BQL rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, đã nghỉ hưu) từ cùng mức án ba năm tù xuống còn cùng mức án hai năm chín tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre được giảm án

Bị cáo Trần Văn Hùng - nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tòa cấp phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm án của bị cáo Nguyễn Văn Đoàn (nguyên chi cục trưởng Kiểm lâm Bến Tre), tuyên y án 2,5 năm tù. Đồng thời bác kháng cáo của hai bị cáo Tiết Kim Chiêu (nguyên phó trưởng Phòng Khoa học-Kỹ thuật, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nguyên phó chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Ðức Dục (nguyên chuyên viên Phòng Khoa học-Kỹ thuật, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nguyên phó chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bến Tre), tuyên y án hai năm tù (cho hưởng án treo) cùng về tội danh trên.

Tòa Phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre còn tuyên buộc năm bị cáo trên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền trên 412 triệu đồng cho BQL rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre.

Tòa phúc thẩm cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Phú (Bến Tre) xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Võ Văn Ngọt (nguyên Phó Trưởng phòng kKhoa học kỹ thuật BQL rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre) do liên quan đến vụ án trên.

Trước đó TAND huyện Thạnh Phú xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo, sau đó cả năm bị cáo cùng kháng cáo. Bị cáo Hùng, Ngàn, Đoàn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt xuống còn án treo. Riêng đối với hai bị cáo Chiêu và Dục kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường phần dân sự. Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt các bị cáo với mức án trên.

Theo nội dung vụ án, vào năm 2009 ông Võ Văn Ngàn được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre bổ nhiệm làm giám đốc BQL rừng. Khoảng tháng 4-2012, ông Võ Văn Ngọt (nguyên phó trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật BQL rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre) báo cáo rừng đước tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thạnh Phú có hiện tượng bị sâu bệnh. Từ đây, ông Võ Văn Ngàn đã cố ý chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu xác định tỉ lệ sâu bệnh và lập thiết kế khai thác trắng toàn diện tích 25,8 ha rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú để trình Sở NN&PTNT tỉnh xin khai thác trắng.

Với vai trò là phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thay vì làm đúng trách nhiệm kiểm tra thực tế hiện trạng rừng thì ông Hùng đã cùng bốn bị cáo khác chỉ đi kiểm tra qua loa, đánh giá không đúng sự thật và đã trình xin chủ trương của UBND tỉnh xin cho khai thác 25,8 ha rừng đặc dụng với lý do là rừng bị sâu bệnh, chết cây nhiều. Ngày 6-6-2012, UBND tỉnh Bến Tre đã chấp thuận chủ trương cho Sở NN&PTNT khai thác, tận thu (khai thác những cây bị sâu bệnh) và trồng mới toàn bộ diện tích rừng nêu trên.

Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh chấp nhận cho Sở NN&PTNT khai thác tận thu diện tích rừng bị sâu bệnh, tiếp đó ông Hùng đã trực tiếp ký văn bản trái quy định đồng ý cho khai thác trắng toàn bộ diện tích rừng nêu trên. Hành vi của ông Hùng đã trực tiếp dẫn đến việc khai thác trái phép 25,8 ha rừng đặc dụng.

Trong quá trình tiến hành khai thác, các bị cáo đã chỉ định DNTN gỗ Tuấn An (trụ sở tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) tiến hành khai thác không qua đấu giá dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước. Cũng trong năm 2012, trong khi doanh nghiệp Tuấn An đang tiến hành khai thác được 21,86 ha rừng thì bị phát hiện sai phạm và bị đình chỉ.

Ngoài sai phạm của ông Trần Văn Hùng và Võ Văn Ngàn, đối với ông Nguyễn Văn Đoàn, Tiết Kim Chiêu và Nguyễn Đức Dục với nhiệm vụ và quyền hạn quản lý, bảo vệ rừng nhưng các cán bộ này đã tham mưu lãnh đạo Sở ký duyệt, đồng tình và hỗ trợ việc khai thác rừng trái quy định.

Bản án tuyên buộc hành vi của ông Trần Văn Hùng, Võ Văn Ngàn, Nguyễn Văn Đoàn, Tiết Kim Chiêu và Nguyễn Đức Dục là trái pháp luật trong việc cho phép khai thác 21,86 ha rừng đặc dụng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với số lượng gỗ là 2.842,5 m3; giá trị thiệt hại do bán chỉ định củi từ việc khai thác rừng trên 412 triệu đồng. Đối với diện tích rừng bị khai thác đã được trồng lại ngay sau đó bằng chính nguồn thu bán gỗ từ việc khai thác rừng nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm