Nhân viên 'giúp' lãnh đạo chiếm đoạt hàng trăm tỉ lãnh án

Ngày 19-9, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Nguyễn Cao Hoa Anh Đào cùng (nguyên kế toán Công ty TNHH An Khang) hai năm tù; Lê Thanh Phong (nguyễn nhân viên Công ty An Khang), Nguyễn Văn Thuận (nguyên công nhân Công ty An Khang) và Hồ Thanh Bình mỗi bị cáo ba năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo trước giờ tuyên án

Đồng thời tòa tuyên phạt Trần Thị Phương (nguyên giám đốc Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Trà Nóc) bốn năm tù, Nguyễn Hoài Phương (nguyên cán bộ phòng khách hàng VietinBank Chi nhánh Trà Nóc) hai năm tù, Nguyễn Thị Mai (nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu Ngân hàng VDB Cần Thơ – Hậu Giang) bốn năm tù và Lâm Chí Công (nguyên phó trưởng phòng tín dụng xuất khẩu Ngân hàng VDB Cần Thơ – Hậu Giang) ba năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH An Khang được thành lập vào năm 2004 do Nguyễn Hồng Quân làm giám đốc. Nhưng từ năm 2009, Quân giao quyền quản lý, điều hành hình công ty cho con gái là Nguyễn Thị Thu Sương. Từ năm 2009-2011 công ty hoạt động không hiệu quả, thua lỗ sau nhiều hơn năm trước, mạc dù đã thế chấp tất cả tài sản của hai cha con nhưng vẫn không trả hết nợ. Vì thế, Sương chủ mưu cùng với cha, chồng là Bình, các nhân viên là Đào, Thuận, Phong với nhiều thủ đoạn gian dối, cấp sai lệch về thực trạng tài chính và tình trạng hoạt động của công ty, lập khống hồ sơ thế chấp cho nhiều ngân hàng để chiếm đoạt hơn 98 tỉ và hơn 4,2 triệu USD.

Do tin tưởng vào quy mô, năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty An Khang và Nguyễn Hồng Quân nên các ngân hàng có quan hệ tín dụng với công ty đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các chuẩn mực nghiệp vụ, tạo điều kiện để Sương và các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tại tòa, các bị cáo Đào, Thuận, Phong đã nhận thức được hành vi sai trái của mình nhưng mong tòa xem xét vì bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Sương chứ không cố ý, cũng không có hưởng lợi. Riêng bị cáo Bình cho rằng mình bị oan, bị cơ quan điều tra ép cung, bị cáo chỉ ký vào giấy trắng chứ không biết được hành vi lừa đảo của vợ là Sương.

Chủ tọa đang tuyên án

Bị cáo Thị Phương thừa nhận bản thân có sai sót, năng lực còn yếu. Hoài Phương cũng cho rằng mình đã làm đúng quy trình, có báo cáo lãnh đạo về các dấu hiệu bất thường nhưng lãnh đạo không có ý kiến gì.

Mai mong tòa xem xét lại trách nhiệm của bị có vì trong quá trình thực hiện mọi việc bị cáo đều có trình lên cấp trên xem xét, bị cáo có thành tích, đóng góp cho cơ quan nên xem xét được giảm nhẹ. Riêng bị cáo Công cho rằng mình bị oan.

Qua xem xét hồ sơ vụ án, chứng từ liên quan, lời khai của các bị cáo bị hại, những người liên quan và kết quả tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định:

Bi cáo Đào, Phong với vai trò là kế toán, biết rõ tình hình của Công ty An Khang, giá trị pháp lý của chứng từ nhưng bị cáo đã làm theo chỉ đạo của Sương, kê khống hàng kho mang đi thế chấp, khai khống mục đích vay... chính bị cáo cũng đi rút tiền từ ngân hàng và giao lại cho Sương sử dụng.

Các bị cáo Bình, Thuận tuy không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đã ký khống vào các hợp đồng mua bán cá, tiếp tay để Sương lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Số tiền mà các bị cáo rút từ ngân hàng và Sương là rất lớn nên việc các bị cáo cho rằng không biết việc Sương lừa đảo là không phù hợp. Hành vi của các bị cáo thể hiện là đồng phạm, biết sai nhưng vẫn giúp sức tích cực cho Sương.

Bị cáo nhận mức án cao nhất là bốn năm tù

Bị cáo Thị Phương: Thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn khi thực hiện xác định và quản lý giới hạn tín dụng; thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức theo dõi và quản lý tình hình sử dụng giới hạn tín dụng của khách hàng; không theo dõi, quản lý chung các nghiệp vụ và giải quyết vướng mắt phát sinh trong phạm vi thẩm quyền, chưa có biện pháp xử lý kịp thời, khả thi để hạn ché rủi ro, thực hiện không đầy đủ kịp thời ý kiến lãnh đạo ngân hàng trong việc cấp giới hạn tín dụng và nghiệp vụ chiết khấu.

Bị cáo Hoài Phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình thẩm định giới hạn tín dụng cho khách hàng, thiếu kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ, số liệu do khách hàng cung cấp và báo cáo; thiếu trách nhiệm trong quy trình nghiệp vụ chiết khấu chứng từ xuất khẩu, nghiệp vụ tài trợ thương mại, thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của tổng giám đốc trong thực hiện nghiệp vụ chiết khấu xuất khẩu; chưa đề xuất hướng xử lý hạn chế rủi ro, trình kiểm sát viên xem xét, quyết định các tình hình đặc biệt phát sinh không xử lý được.

Mai, trong quá trình thẩm định và xét duyệt cho vay đã không thu thập nhiều nguồn tin để thẩm tra hồ sơ tín dụng, khi chỉ đạo cấp dưới thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đánh giá năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của An Khang trước khi xuất cho vay. Chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý các trường hợp có dấu hiệu bất thường, rủi ro.

Còn Công, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm thẩm định và cho vay theo hướng dẫn, không kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ giải ngân, không kiểm tra giám sát sau giải ngân theo hướng dẫn. Hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo đã dân đến không phát hiện các hồ sơ vay giải tạo mà vẫn đề xuất cho An Khang vay tạo cơ hội cho Sương chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của các tổ chức, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn cúa các cơ quan tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm do hành vi sai trái của mình gây ra, vì thế tòa đã tuyên phạt các bị cáo mức án trên.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Quân với tư cách người đứng đầu Công ty An Khang liên đới với Sương trả lại số tiền mà Sương đã chiếm đoạt từ các ngân hàng.

Liên quan đến vụ án, trước đó TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Sương 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phạt Nguyễn Hồng Quân hai tù tù treo về tội Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.

Trước đó, TAND TP Cần Thơ cũng vừa tuyên phạt Mai tám năm tù và Công 10 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Tòng “Thiên Mã”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm