Nhiều cán bộ liên quan đến việc làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm

Như PLO đã đưa tin, hôm qua (23-6), TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Vì Thị Hiếu (35 tuổi, Hà Nội) 5 năm tù, Hoàng Văn Sứng (36 tuổi, trú Hưng Yên) 4 năm tù, Ngô Việt Dũng (26 tuổi, trú Phú Thọ) 24 tháng tù, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Riêng bị cáo Tăng Văn Tuấn (42 tuổi, trú Hà Nội) bị tuyên 30 tháng tù về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Bốn bị cáo được xác định giúp sức cho Nguyễn Thị Mai Anh (42 tuổi, trú Hà Nội) làm giả 42 tài liệu liên quan việc giám định tâm thần cho các bị can, phạm nhân tại Trại giam Thanh Lâm và Trại giam Số 5 Bộ Công an.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Ảnh: TP

Người tâm thần làm giả bệnh án tâm thần

Mai Anh là đối tượng bị nhiều cơ quan tố tụng khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng được xác định mắc bệnh tâm thần. Năm 2016, khi đi chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Mai Anh bỏ trốn rồi tổ chức đường dây làm giả tài liệu.

Thông qua quan hệ gia đình, Mai Anh quen biết Vì Thị Hiếu. Mai Anh đặt vấn đề muốn Hiếu làm giả một số tài liệu cho mình. Hiếu nhận lời, thuê Sứng đánh máy, in màu các tài liệu này.

Từ năm 2017 đến 2019, Mai Anh chỉ đạo Hiếu làm giả hàng chục công văn của các trại giam, giấy giới thiệu của các tòa án. Những giấy tờ này được đưa cho Tăng Văn Tuấn để mang tới Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I trích sao bệnh án của các phạm nhân.

Các bị cáo còn làm giả tài liệu, scan dấu tròn của một số UBND, trung tâm y tế, công an phường, nhận xét của người nhà và hàng xóm… để xác nhận về tình trạng sức khỏe tâm thần của phạm nhân.

Đặc biệt, Mai Anh đóng giả cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa, nhờ người đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để lấy kết luận giám định và biên bản giám định pháp y tâm thần. Nhóm bị cáo sau đó chỉnh sửa kết luận từ “hạn chế khả năng nhận thức… ” thành “mất khả năng nhận thức…”.

Giấy tờ giả được chuyển đến TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm và Trại giam Số 5, để TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang thụ án tù.

Ngoài bốn bị cáo bị đưa ra xét xử, Mai Anh là người cầm đầu đường dây nhưng được xác định mắc bệnh tâm thần, phải đi chữa bệnh bắt buộc nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ.

Ảnh minh họa

Điều tra một số cán bộ tòa án, công an

Đáng chú ý, cơ quan tố tụng xác định có nhiều cán bộ thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Số 5, Trại giam Thanh Lâm, Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương I liên quan đến việc các phạm nhân được làm giả bệnh án tâm thần.

Điển hình, trong việc phạm nhân Phùng Anh Thái bỏ trốn, người này được Trại giam Thanh Lâm ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định của Thái được giao cho ông Lê Việt Xô (Đội phó Đội giáo dục hồ sơ của trại giam), ông Xô đọc và thấy có cụm từ “hạn chế điều khiển hành vi”.

Tiếp đó, kết luận được giao cho ông Đàm Cảnh Long (Phó phòng Kiểm tra nghiệp vụ TAND tỉnh Thanh Hóa), ông Long thông báo với ông Xô rằng Thái không đủ điều kiện để đi chữa bệnh bắt buộc.

Một thời gian sau, ông Long gọi điện cho ông Xô đến tòa án và đưa cho ông Xô một bản phô tô kết luận giám định tâm thần đối với Thái. Lúc này, nội dung kết luận được sửa thành “bị án bị mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi”. Tuy nhiên, Trại giam Thanh Lâm vẫn bàn giao Thái cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Tương tự, phạm nhân Trịnh Hoàng Lan khi trưng cầu giám định cũng có kết luận “hạn chế điều khiển hành vi” nên không đủ điều kiện đi chữa bệnh bắt buộc. Kết luận được ông Xô bàn giao cho ông Long.

Ông Xô trình bày rằng có thấy Mai Anh vào phòng làm việc của ông Long. Sau đó, kết luận giám định của Lan được sửa thành “phạm nhân mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi”. Trại giam Thanh Lâm đã bàn giao Lan cho bệnh viện để đi chữa bệnh bắt buộc theo quyết định của TAND tỉnh Thanh Hóa.

Với nhiều phạm nhân khác, dù kết luận giám định cho thấy những người này không đủ điều kiện nhưng vẫn được sửa hồ sơ thành mất khả năng nhận thức để được đi chữa bệnh bắt buộc…

Đến nay, do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã tách vụ án hình sự đối với những cá nhân thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Số 5, Trại giam Thanh Lâm, Viện Pháp y tâm thần Trung ương để tiếp tục làm rõ, xử lý sau.

Bỏ trốn rồi tiếp tục gây án

Kết quả điều tra cho thấy có sáu phạm nhân lợi dụng việc đi chữa bệnh để bỏ trốn, gồm: Phùng Anh Thái (án 29 năm tù về tội giết người), Trịnh Hoàng Lan (án 18 năm tù về tội giết người), Nguyễn Quốc Khánh (án 27 năm 9 tháng 2 ngày tù về tội đưa hối lộ, tổ chức đánh bạc và đánh bạc), Phạm Văn Kiên (án chung thân về tội vận chuyển trái phép ma túy), Lê Hoàng Châu (án 15 năm tù về tội tàng trữ trái phép ma túy) và Trần Thế Phúc (án 42 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ).

Đặc biệt, trong số sáu phạm nhân bỏ trốn có hai người sau khi bỏ trốn lại tiếp tục phạm tội nghiêm trọng trở lên và bị công an bắt giữ. Trong đó, Phạm Văn Kiên tiếp tục phạm tội vận chuyển trép chất ma túy và Phùng Anh Thái tiếp tục phạm tội đánh bạc.

Ngoài ra, liên quan đến vụ án còn có ba phạm nhân bỏ trốn nhưng đã quay trở lại trại giam, một người đến nay vẫn chưa về trại giam để thi hành án. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.