Nhiều điểm cần làm rõ trong 1 vụ hủy hoại tài sản ở Vĩnh Long

Theo kế hoạch, ngày 20-12 tới, TAND tỉnh Vĩnh Long sẽ xử sơ thẩm lần hai vụ hai bị cáo Nguyễn Thanh Thế và Tô Huy Thông bị cáo buộc tội hủy hoại tài sản. Vụ án này từng bị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Điều đặc biệt là phần lớn tài sản bị thiệt hại trong vụ này là những cọc bê tông đã ép xuống lòng đất đang có tranh chấp nên khó xác định thiệt hại.

Công an từng đề nghị không khởi tố

Theo hồ sơ, năm 2003, ông Thế thành lập Công ty TNHH An Phú (gọi tắt là Công ty An Phú) do ông làm giám đốc. Năm 2004, ông Thế mua năm thửa đất của các hộ dân tại phường 4, TP Vĩnh Long và được cấp giấy đỏ đều đứng tên cá nhân ông. Cùng năm này, Công ty An Phú được cấp phép một dự án nhà ở trên phần đất ông Thế đã mua.

Khu đất tại phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long liên quan đến vụ án.
Ảnh: CT

Để có tiền thực hiện dự án, ông Thế ký hợp đồng, thế chấp năm thửa đất trên và giá trị nhà ở hình thành trong tương lai để vay 20 tỉ đồng. Ngân hàng đã giải ngân 9,8 tỉ đồng và ông Thế dùng tiền này san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào lưới thép, đúc ép cọc và một số phần việc khác trên khu đất. Do nội bộ công ty bất ổn nên ngân hàng không giải ngân số tiền còn lại và giới thiệu Công ty TNHH MTV VLXD và Xây lắp thương mại BMC (gọi tắt là Công ty BMC) nhận chuyển giao dự án của Công ty An Phú.

Công ty An Phú thống nhất chuyển giao chủ đầu tư cho Công ty BMC. Riêng về quyền sử dụng đất (QSDĐ) và chi phí mà công ty đã bỏ ra thì hai bên dù họp nhiều lần nhưng chưa thống nhất được. Tháng 7-2005, Công ty An Phú khởi kiện ngân hàng ra TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu giải ngân tiếp số tiền hơn 11 tỉ đồng và yêu cầu tạm ngưng thanh lý tài sản thế chấp đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo hồ sơ, ông Thế đã ký hợp đồng chuyển nhượng năm thửa đất cho Công ty BMC. Tuy nhiên, hợp đồng lại đóng dấu Công ty An Phú trong khi đất đứng tên cá nhân ông Thế và khi chuyển nhượng không có vợ ông cùng ký tên. Hợp đồng cũng không thể hiện giá đất và tài sản trên đất, không thể hiện thời điểm và phương thức thanh toán. Đặc biệt, hợp đồng này ký khi tài sản đang thế chấp ngân hàng và hợp đồng thế chấp đang có tranh chấp tại tòa. Hợp đồng được chứng thực tại UBND phường 4, TP Vĩnh Long nhưng ngày 22-5-2018, phường có văn bản trả lời cơ quan điều tra là không có hồ sơ lưu đối với việc chứng thực này.

Tháng 11-2005, TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm vụ kiện đã tuyên bác yêu cầu của Công ty An Phú, buộc công ty phải trả cho ngân hàng hơn 11 tỉ đồng (hai bên không nói đến việc chuyển nhượng đất nên tòa không đề cập). Sau khi có bản án, ông Thế có đến trả nợ nhưng ngân hàng không chịu vì cho rằng đất đã được bán cho Công ty BMC trước khi có bản án. Cho rằng ngân hàng xử lý tài sản không đúng nên ông Thế nhờ ông Thông chuộc lại tài sản. Hai bên thỏa thuận để ông Thông thay mặt đàm phán với ngân hàng và Công ty BMC. Sau đó, ông Thông thuê người vào khu đất phá bỏ các cọc bê tông đã ép xuống đất và các ống cống nên bị khởi tố.

Đáng chú ý, ngày 30-5-2019, Cơ quan CSĐT công an tỉnh có văn bản gửi UBND TP Vĩnh Long đề nghị chỉ xử phạt hành chính đối với ông Thông vì hành vi chưa đủ cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan này có văn bản phản hồi cho rằng cần xem xét xử lý hình sự vì nếu phạt hành chính thì có thể bị khiếu nại hoặc khởi kiện, thời gian thi hành quyết định sẽ kéo dài (?!). Sau đó, hai bị cáo bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản với cáo buộc gây thiệt hại hơn 1,7 tỉ đồng.

Hủy án để điều tra lại

Tháng 6-2020, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long phạt ông Thế 10 năm tù với vai trò là chủ mưu, ông Thông sáu năm tù. Ông Thông kháng cáo kêu oan. Suốt quá trình điều tra và tại tòa, ông Thông cho rằng do quá tin ông Thế nên không xem các giấy tờ có liên quan đến dự án, nghĩ rằng đất là tài sản của ông Thế.

Ngoài ra, ông chỉ là người được ủy quyền để chuộc lại tài sản theo hồ sơ vay vốn và bản án của tòa, mọi việc làm đều có sự thống nhất của ông Thế. Ông Thế thì cho rằng một số tài sản trên đất dự án là của mình, không phải toàn bộ của Công ty BMC nên cần phải bóc tách giá trị tài sản…

Ngày 4-1-2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, làm rõ nhiều vấn đề. Theo đó, tòa sơ thẩm thiếu sót khi xác định giá trị tài sản bị thiệt hại ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt.

Hồ sơ thể hiện giấy đỏ (sau khi gộp năm thửa đất) đứng tên Công ty BMC được cấp đổi vào năm 2014 ghi mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, vậy việc thi công của công ty này vào năm 2006 là có giấy phép không và có vi phạm không? Việc định giá thiệt hại căn cứ vào tài liệu bản vẽ và dự toán sau năm 2006 của người bị hại là không phù hợp, cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả này để áp dụng khung hình phạt là sai.

Ngoài ra, tài sản bị thiệt hại có các trụ bê tông được cắm vào lòng đất nên việc xét QSDĐ hợp pháp có ý nghĩa đặc biệt khi xác định giá trị thiệt hại. Việc Công ty An Phú bị rút giấy phép làm dự án không đồng nghĩa với việc tài sản của đơn vị này là QSDĐ bị thu hồi. Do đó, ngân hàng và các cơ quan thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long đứng ra ký giao QSDĐ cho Công ty BMC khi không có sự tham gia của bị cáo Thế là sai (kể cả có việc ông Thế ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ).

Cũng theo tòa, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Thế và Công ty BMC có vấn đề. Thứ nhất, ngày 7-6-2005, hai bên ký hợp đồng, bị cáo ký với tư cách là giám đốc và đóng dấu của Công ty An Phú, trong khi giấy phép kinh doanh của công ty này bị thu hồi từ ngày 31-5-2005 và bị cáo cũng không ký biên bản bàn giao dự án. Vậy việc chuyển nhượng này có đúng pháp luật không, có bị vô hiệu không, nếu không thì đã hoàn thành khi nào?

Thứ hai, các giấy tờ về QSDĐ của công ty BMC cập nhật từ tháng 6-2005 mà bản án dân sự của TAND tỉnh vào tháng 11-2005 không đề cập đến việc sang nhượng này, trong khi đây là tài sản được thế chấp trong hợp đồng tín dụng mà tòa đang thụ lý giải quyết. Vậy vấn đề là giao dịch chuyển QSDĐ nêu trên là có thật hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên xử.

 

Làm rõ nhiều điều để tránh quy kết oan

Theo tôi, có nhiều vấn đề mà phiên tòa sắp tới phải làm rõ để đánh giá khách quan, toàn diện vụ án, tránh quy kết oan, sai. Thứ nhất, bản án dân sự của TAND tỉnh tuyên xử Công ty An Phú phải trả nợ cho ngân hàng nên việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ phải thông qua thi hành án, chứ ngân hàng không được tự xử lý bằng cách chuyển dự án cho Công ty BMC.

Thứ hai, tại thời điểm ông Thông nhận ủy quyền từ ông Thế thì các việc thi công ép cọc đã xong. Biên bản bàn giao tài sản cho ông Thông ngày 9-9-2017, ông Thế có cam kết toàn bộ tài sản trên đất gồm các cọc, hàng rào tôn, lưới B40, thuộc sở hữu của mình. Điều đó có nghĩa là ông Thông không biết tài sản trên đất có liên quan đến Công ty BMC. Ông Thông không cố ý đập phá tài sản của người khác, trong khi mặt chủ quan của tội hủy hoại tài sản thì người phạm tội phải có lỗi cố ý. Do ông Thông không biết nên đã phạm lỗi vô ý và không cấu thành tội hủy hoại tài sản.

Thứ ba, tài sản bị hủy hoại là các cọc bê tông và ống cống một phần là của ông Thế, một phần là của Công ty BMC, phần lớn số cọc vẫn còn cắm dưới đất. Hồ sơ tố tụng không phân định được phần tài sản nào của ai nhưng tính giá trị thiệt hại tài sản là toàn bộ cọc đã đóng trên đất là không ổn. Bởi các cọc này dài 10-11 m mà chỉ bị phá bỏ phần lú trên mặt đất khoảng 1 m thì không thể làm hư hỏng toàn bộ cọc. Chưa kể các cọc do ông Thế mua đóng xuống thì phải là thiệt hại của Công ty BMC và các ống cống bị mang đi không phải đập bỏ thì không là tài sản bị hủy hoại. Như vậy, theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo thì các cọc bê tông còn dưới lòng đất chỉ thiệt hại một phần và loại trừ các ống cống bị mang đi không bị đập bỏ thì giá trị thiệt hại tài sản giảm đi rất nhiều so với cáo trạng quy kết.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm