Nhiều ‘kẽ hở’ dễ dẫn đến oan, sai

Đó là đúc kết của các chuyên gia pháp luật, luật gia, luật sư (LS) tại buổi tọa đàm “Những vấn đề pháp luật tố tụng hình sự xã hội quan tâm” do Hội Luật gia Việt Nam và Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 4-7.

Lạm dụng, lạm quyền trong bắt tạm giam

Điều 79 BLTTHS quy định bắt tạm giam là một biện pháp ngăn chặn khi cần thiết để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội…

Theo LS Phan Minh (Đoàn LS TP.HCM), thực tế việc bắt giam nhiều khi được thực hiện mà chẳng có dấu hiệu cần thiết phải ngăn chặn như trên, dẫn đến bắt tràn lan, thiếu căn cứ. “Nhiều lý do tạm giam rất trời ơi. Thân chủ của tôi sau khi bị tạm giam bốn tháng, rồi gia hạn tạm giam thì được cho tại ngoại. Thế mà đùng một cái lại bị bắt tạm giam 10 ngày, lý do là cơ quan điều tra (CQĐT) quên lấy bản ảnh và dấu vân tay. Việc lạm quyền bắt tạm giam, bắt khẩn cấp một phần do quy định chưa rõ, phần quan trọng còn lại do ý thức của người tiến hành tố tụng. Họ có tâm lý rằng “bắt thay cho điều tra”, bắt để thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án” - LS Minh dẫn chứng.

LS Minh chỉ ra những tồn tại của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt người phạm tội quả tang không lập biên bản hoặc có lập nhưng không có chữ ký của người bị hại, người làm chứng; không lấy lời khai ngay đối với người bị bắt quả tang trong vòng 24 giờ; bắt người đang bị truy nã nhưng không làm các thủ tục theo quy định và để người bị tạm giữ không có lệnh trong thời gian dài; bắt người khẩn cấp nhưng chỉ có chữ ký của điều tra viên (ĐTV); VKS không phê chuẩn bắt khẩn cấp nhưng vẫn giữ hoặc mời đến làm việc rồi giữ luôn...

Ông Minh dẫn lời LS Trương Trọng Nghĩa (Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội) rằng “không thể điều tra tội phạm bằng cách phạm tội” và nêu: “Trại tạm giam là một không gian bị hạn chế rất nhiều quyền. Tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam có nơi còn bị xâm phạm bởi chính ĐTV”.

Bổ sung, LS Nguyễn Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng quyền con người bị xâm phạm tùy tiện: “Cách nay một tuần, thân chủ tôi đang rút tiền ở ATM. Công an đến hỏi CMND và đưa về đồn rồi giữ lại hai ngày hai đêm. Họ nhân danh cái gì mà xâm phạm thô bạo đến quyền con người như vậy? Khi thả ra, thân chủ tôi phải viết giấy “tự nguyện ở lại” để điều tra”.

Trần Văn Uống bị cáo buộc cướp tài sản từ cuối năm 2012, trải qua nhiều lần trả hồ sơ, tòa sơ thẩm đã tuyên án bằng đúng số ngày tạm giam. Án bị hủy từ tháng 9-2014 nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai. Ảnh: PL

Trả hồ sơ bao nhiêu lần cũng được?

Thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa được quy định tại Điều 176 và Điều 199 BLTTHS. Hiện nay, quy định của hai điều luật này đang gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Có người hiểu rằng quy định về số lần yêu cầu điều tra bổ sung tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS (VKS hoặc tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần) chỉ áp dụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà không áp dụng đối với việc yêu cầu điều tra bổ sung tại phiên tòa.Tuy nhiên, có người lại hiểu rằng việc yêu cầu điều tra bổ sung dù trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa đều không vượt quá hai lần vì khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định “tòa chỉ được trả” chứ không nói riêng là thẩm phán được phân công chủ tọa hay HĐXX.

Cách hiểu thứ ba là không giới hạn số lần yêu cầu điều tra bổ sung của HĐXX vì các tài liệu, chứng cứ chỉ được xem xét đầy đủ tại phiên tòa. Tuy nhiên, cần giới hạn nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của HĐXX (không lặp lại những nội dung đã được yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử). Riêng về yêu cầu điều tra bổ sung của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì phải bị giới hạn để tránh kéo dài vụ án không cần thiết và hạn chế suy diễn chủ quan của thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ…

LS Nguyễn Văn Bình cho rằng việc trả hồ sơ đang bị lạm dụng và dẫn chứng: “Có chuyên gia đầu ngành về pháp luật hình sự còn cho rằng tòa có thể trả hồ sơ “n lần”. Như vậy thì quyền con người sẽ bị lạm dụng đến “n lần”. Lẽ ra về nguyên tắc, khi LS tìm được chứng cứ chứng minh bị cáo không có tội tại tòa thì tòa phải tuyên vô tội. Tôi đề nghị có cơ chế rõ ràng về việc trả hồ sơ để không xâm phạm quyền con người”.

LS Phan Minh bổ sung: “Việc trả hồ sơ “n lần” giống như là cố gắng làm sao điều tra cho ra tội. Có vụ án truy tố bị cáo tội trộm nhưng bị cáo chứng minh được mình có 2/3 trong số tài sản trộm. Tòa hoãn xử, trả hồ sơ nhiều lần. Đến lần xử thứ 12 thì kiểm sát viên không luận tội mà đề nghị trả hồ sơ tiếp. Cuối cùng thì cũng tìm được lý do kết tội là bị cáo chỉ mới được giao giữ tài sản nhưng lại đem bán”…

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) đề nghị BLTTHS sửa đổi theo hướng khi vụ án đã ra tòa thì HĐXX không được trả hồ sơ quá ba lần. LS Quynh kể một vụ án trộm cắp tài sản ở Quảng Ninh đến nay bị can bị tạm giam ba năm với tám lần trả hồ sơ. Hay như vụ 12 cây tràm ở Đồng Nai, tại phiên phúc thẩm, VKS đề nghị trả hồ sơ, LS thì đề nghị xử bị cáo vô tội, còn tòa lại tuyên luôn là có tội. “Không thể không đặt nghi vấn có hay không việc oan sai ở đây. Mỗi lần trả hồ sơ là một lần gia hạn tạm giam, ảnh hưởng đến quyền con người của bị can, bị cáo, trong khi vụ án chưa rõ ràng” - LS Quynh ý kiến.

LS Phan Minh đúc kết: “Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ba năm qua có 71 người bị oan. Tuy nhiên, con số những người bị oan vì bị áp dụng tùy tiện các biện pháp ngăn chặn, bị kêu lên kêu xuống, bị cấm đi khỏi nơi cư trú cả chục năm… thì gấp nhiều lần con số trong báo cáo”.

Cứ giam đã, oan, sai tính sau!

Bản án chia di sản thừa kế tuyên cho ông Đặng Minh Linh (Trà Vinh) được nhận nhà đất, đổi lại ông phải đưa tiền cho đồng thừa kế. Do không có tiền thi hành, ông đã bị kê biên đất nhưng bán đấu giá ba lần vẫn không có người mua. Sau đó cơ quan thi hành án cưỡng chế giao đất cho đồng thừa kế của ông. Hôm sau, ông bị lập biên bản về việc đã nhổ một cọc bê tông phân chia ranh giới giữa cổng lối đi vào nhà ông. Thế là ông bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Ngày 18-9-2009, tại phiên tòa, tôi đưa ra lập luận rằng ông Linh không phạm tội thông qua việc hỏi người liên quan ba vấn đề. Thật bất ngờ, khi vẫn đang phần xét hỏi, chủ tọa đột nhiên cho dừng phiên tòa để HĐXX hội ý... 30 phút sau, thư ký thông báo dừng phiên tòa không lý do, thời hạn... Ngay trong ngày, ông Linh được trả tự do sau hơn bảy tháng bị tạm giam, cũng không có lý do và văn bản nào kèm theo. Tôi làm văn bản hỏi lý do nhưng không được tòa trả lời. Ba tháng sau, tôi đến tòa thì được trả lời miệng là “hồ sơ được trả lại VKS”. Ba tháng sau nữa, tôi được gia đình thông báo vừa nhận được quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 1 Điều 25 BLTTHS. Từ đó đến nay, ông Linh liên tục kêu oan, còn tôi đã gửi nhiều kiến nghị.

Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH, Đoàn LS TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm