Nhìn lại 12 năm toàn cảnh vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Nhìn lại 12 năm toàn cảnh vụ án tử tù Hồ Duy Hải

(PLO)- Những điểm bất thường của vụ án chưa được làm rõ nhưng cuối năm 2008, xử sơ thẩm TAND tỉnh Long An vẫn kết án tử hình Hồ Duy Hải về cả hai tội giết người và cướp tài sản.

Trong lịch sử ngành tư pháp, rất hiếm tử tù được tạm hoãn thi hành án nhưng mạng sống vẫn bị treo lơ lửng gần năm năm qua.

Pháp Luật TP.HCM tường thuật lại toàn cảnh vụ án về tử tù Hồ Duy Hải cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ án đầy hồi hộp vào những giây phút chuẩn bị ra pháp trường.

Ngay sau đó Hồ Duy Hải có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Năm 2011, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao đều ra quyết định không kháng nghị bản án và tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải.

Tháng 5-2012, Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải.

Không nản lòng, Hồ Duy Hải và gia đình có đơn kêu oan và viết đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình.

Trước ngày thi hành án tử hình một ngày, bất ngờ ngày 4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Đồng thời Chủ tịch nước yêu cầu chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Ngay lập tức Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hải.

Đầu năm 2015, bà Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.

Chưa dừng lại, tháng 2-2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội (do bà Lê Thị Nga làm chủ nhiệm) có công văn kiến nghị với chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Tháng 7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án.

Nhìn lại 12 năm toàn cảnh vụ án tử tù Hồ Duy Hải ảnh 4

Câu chuyện về việc những người mẹ đi kêu oan để níu lại mạng sống tử tù Hồ Duy Hải đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Thế nhưng ít ai biết rằng trong hành trình ấy bà và những người thân đã phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách và đánh đổi bằng sự cố gắng không biết mệt mỏi.

Từ TP.HCM đến huyện Thủ Thừa, Long An không xa bởi chỉ phải di chuyển chừng 40 km. Nhưng đến xã Nhị Thành hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải thì được biết bà Loan cùng con gái đã dọn đi chỗ khác cách đây mấy tháng. Thế rồi chúng tôi cũng tìm ra được chỗ ở mới của bà Loan, nằm sâu trong một con đường nhỏ, bên cạnh cánh đồng, phía sau một ngôi chùa.

Đây không phải là nhà của bà Loan mà là mẹ con bà đang ở nhờ nhà người anh. Bàn tay chai sạn gạt vội giọt nước mắt trên má, bà Loan kể về hành trình giữ lại mạng sống cho Hồ Duy Hải với tâm trạng nghẹn ngào.

Bà bảo suốt 12 năm trời cứ trông đến ngày thăm nuôi, bà đến trại giam cách nhà chừng 20 km thăm Hải. Thời gian còn lại bà đi cậy nhờ, cầu cứu khắp nơi kêu oan cho con. Bà phải gom góp tiền bạc để cố gắng lặn lội ra Hà Nội, gõ cửa từng cơ quan với niềm hy vọng phải giữ được mạng sống của con. Khi chúng tôi đến nhà cũng là thời điểm bà mới đi Hà Nội về được mấy bữa ngay trước khi có kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao.

Bà Loan nhớ lại: “Năm 2007, tôi vừa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về được vài tháng thì Hải khi ấy mới 23 tuổi bị bắt và vướng vòng lao lý từ đó. Bao nhiêu tiền tích cóp tôi đều dùng mua vé máy bay ra Hà Nội cầu cứu cho con. Tôi gửi đơn khắp nơi với tâm thế người này không xem được hồ sơ thì có người khác xem”.

Thời gian đầu ở Hà Nội do chưa biết đường đi xe buýt nên bà Loan phải mướn xe đạp mỗi ngày 10.000 đồng. Rồi người dân thương tình cho mượn cả bếp nấu nướng không mất tiền. Bà gửi đơn nhiều đến mức ngay cả tiệm phôtô hồ sơ ở Hà Nội cũng nhớ mặt bà. Tới nay bà Loan đã gửi tổng cộng hơn 2.000 bộ hồ sơ. Có những lúc kiệt sức vì mệt mỏi và đói, gặp cán bộ bà đã không còn đủ sức để trình bày sự việc mà ngã xuống đất, sùi cả bọt mép. Sau chẳng còn tiền đi máy bay bà Loan chuyển sang đi tàu lửa, loại ghế cứng.

Sau này hành trình kêu oan của bà Loan có thêm người chị là bà Nguyễn Thị Rưỡi (62 tuổi) để phòng hờ lúc sức khỏe bà suy sụp. Nhưng đến nay bà Rưỡi cũng bị bệnh nên người em út là Nguyễn Thị Ren trong gia đình tiếp tục thay bà Rưỡi cùng chị đi kêu oan cho cháu. Thời gian đằng đẵng trôi đi, giờ thì căn nhà hai mẹ con đang ở cũng phải bán đi ở nhờ nhà người anh.

Nhìn lại 12 năm toàn cảnh vụ án tử tù Hồ Duy Hải ảnh 8

Đến giờ bà Nguyễn Thị Loan có thể kể vanh vách tên từng vị cán bộ ở trung ương. Trong số những cán bộ bà gặp thì đặc biệt bà nhắc tới tên bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, với một sự kính trọng, biết ơn.

Bà Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) kể thời điểm khoảng năm 2015, sau khi con bà được tạm hoãn thi hành án, đích thân bà Nga đã đến trại tạm giam gặp Hải để tìm hiểu về vụ án. Sau đó bà và các luật sư (LS) may mắn được gặp bà Nga tại TP.HCM để trình bày về đơn kêu oan.

Sau đó có lần bà Loan cũng tìm đến nhà bà Nga ở Hà Nội. “Tối hôm đó trời mưa to lắm, tôi với bà Rưỡi đứng đợi bà Nga ở ngoài, đúng lúc bà Nga cùng gia đình đi đâu về rồi bảo rằng theo luật không được tiếp công dân ở nhà riêng nên chỉ có thể mời hai chị em tôi vào sảnh ngồi tránh mưa cho đỡ lạnh” - bà Loan kể.

“Bà ấy có khuôn mặt phúc hậu nên tôi rất quý bà. Có một năm chị Rưỡi xin ai đó được số điện thoại của bà Nga nên đã nhắn tin chúc sức khỏe, bà ấy nói rằng “Gia đình yên tâm ăn tết nhé”. Câu nói ấy làm tôi cảm động rớt nước mắt” - bà Loan thuật lại.

Sau này đọc báo, bà Loan mới hay tại cuộc họp của đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình oan, sai và bồi thường oan vào tháng 3-2015, bà Lê Thị Nga đã dày công nghiên cứu hồ sơ vụ án này. Sau đó bà có báo cáo dài 10 trang nêu rõ các sai phạm và đưa ra những nhận định về vụ án khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Ban đầu bà Loan mời LS Nguyễn Văn Đạt (Đoàn LS TP.HCM) tham gia bào chữa cho Hải ngay từ giai đoạn xét xử sơ thẩm ở TAND tỉnh Long An. Thế nhưng sau đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) bác đơn kháng cáo kêu oan của Hải, tuyên y án sơ thẩm tử hình.

Từ đó LS Đạt đã giới thiệu cho gia đình bà Loan đến gặp LS Trần Văn Tạo (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM). Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông Tạo đã trực tiếp gọi điện thoại trình bày với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để nói về vụ án còn quá nhiều uẩn khúc.

Vụ án còn có sự tham gia của LS Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP.HCM). Đích thân LS Phong cùng với bà Loan ra Hà Nội gặp các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình bày vụ án.

Từ sự kiên trì của người mẹ quyết giữ mạng sống cho con cùng với sự hỗ trợ pháp lý hết mình của ba LS, kết quả bước đầu cũng đến. Ngày 4-12-2014 trước thời khắc thi hành án tử hình với Hải một ngày, phó chánh án TAND tỉnh Long An đã ký tên, đóng dấu vào tờ đơn viết tay của bà Loan đồng ý hoãn thi hành án tử hình đối với Hải. Nhờ vậy mà bà Loan mới còn cơ hội tiếp tục đi kêu oan cho con.

“Các LS đều là những người có tâm huyết với gia đình tôi. Vụ án đã trải qua 12 năm nay nhưng họ vẫn không nản chí. Cách đây hai năm LS Đạt bị bệnh nên phải đi Mỹ điều trị. Trước khi đi nước ngoài, ông đã gửi gắm lại cho LS Tạo và LS Phong. Chúng tôi mang ơn họ lắm, không có lời lẽ nào có thể tả được hết” - bà Loan chia sẻ.

Đang dở câu chuyện, bà Loan đi vào trong phòng nâng người mẹ hơn 90 tuổi ngồi dậy. “Họ sắp thả Hải, nếu cháu ngoại của má về má vui không, cười cái coi. 12 năm rồi má nhớ nó dữ lắm rồi phải không” - bà Loan lạc giọng.

Bình thường bà ngoại Hải không nói được gì nhưng cứ nhắc tên Hải là bà lắp bắp mấy từ trong miệng mà tôi nghe không rõ. Mấy năm đầu Hải mới bị tạm giam, bà ngoại Hải còn đủ sức khỏe vô trại thăm cháu nhưng nhiều năm nay bà không còn đi được nữa, phải nằm một chỗ.

Bà Loan kể tiếp lâu lâu bà ngoại Hải cũng hỏi: “Sao Hải chưa về? Mày nói dóc tao hoài, nếu nó về thì kêu nó lại nắm tay tao cái coi”.

Đọc thêm