Những đóng góp thầm lặng của ngành tư pháp

Ông Dũng nói: “Thể chế là bệ đỡ, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng khi nói tới kết quả tích cực, các con số tăng trưởng thì không ai đề cập tới đóng góp của người làm thể chế cả. Ngược lại, cứ gặp khó khăn, tiêu cực gì thì lại đổ lỗi cho thể chế”.

Ông Dũng dẫn thêm đánh giá độc lập của các chuyên gia kinh tế rằng: Việt Nam mấy năm qua tăng trưởng 6,5%-7% nhưng nếu làm tốt các quy định pháp luật hiện có, chưa cần cải cách, sửa đổi gì cả thì tăng trưởng có thể trên 7%-8%.

Nói như vậy để thấy công tác xây dựng thể chế, giám sát thi hành pháp luật, mà Bộ Tư pháp tham gia với vai trò như gác cổng của Chính phủ, dù âm thầm nhưng đặc biệt quan trọng với quốc gia.

Trong năm qua, ngành tư pháp đã tham gia xây dựng 881 văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ, 3.556 văn bản cấp tỉnh. Ở cấp độ luật, bộ đã tham gia gác cổng, thẩm định để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến 28 dự án luật, nhiều nghị quyết. Đó là chưa kể ở cấp độ chính sách, tức là trước khi đi vào dự thảo cụ thể, ngành tư pháp đã thẩm định 25 đề nghị từ các bộ, 354 đề nghị ở cấp tỉnh, thành. Tính tổng ra toàn ngành thẩm định 6.606 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến (phải) và Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), vẫn còn tình trạng pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn.

Cụ thể là mâu thuẫn giữa Luật Điện lực, Luật Đầu tư với Luật Xây dựng; Luật Dầu khí với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ngoài ra là mâu thuẫn giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường; giữa Bộ luật Lao động với Luật Doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng dẫn ra những ví dụ cụ thể mà thể chế pháp luật cản trở sự phát triển. Chẳng hạn như dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc do Bộ GTVT có thẩm quyền thì không có tiền, còn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nguồn lực mạnh, sẵn sàng đầu tư thì luật lại không cho phép…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá những bất cập, hạn chế ấy trách nhiệm chính thuộc về các bộ chủ trì soạn thảo luật, trách nhiệm phối hợp giữa các thành viên Chính phủ và có phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp - ngành tư pháp với tư cách “gác gôn” về xây dựng pháp luật. Để tháo gỡ, Thủ tướng vừa giao Bộ Tư pháp tổng rà soát chồng chéo, vướng mắc luật pháp. Qua đó tham mưu cho Chính phủ xử lý hoặc Chính phủ trình tiếp Quốc hội quyết đáp. Và đây sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2020 tới.

Kiến nghị của Sở Tư pháp TP.HCM

Tại hội nghị, trước cảnh báo số lượng vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước Việt Nam gia tăng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp một số vấn đề.

Chẳng hạn, cần có cơ chế để chính quyền địa phương thuê ngay luật sư, sử dụng dịch vụ tư vấn ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi đây là vấn đề phức tạp, vượt ra khỏi chuyên môn của địa phương. Đồng thời, số luật sư, tư vấn này sẽ chịu trách nhiệm tham gia giải quyết tranh chấp khi phát sinh.

Từ thực tiễn TP.HCM, đề nghị cho phép cơ quan đại diện TP ký hợp đồng với nhà đầu tư thì cũng đồng thời theo dõi suốt quá trình thực hiện hợp đồng ấy. Khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chủ trì giải quyết phía Việt Nam cần được trao quyền để chủ động đàm phán một số vấn đề ngoài hợp đồng, miễn là đạt hiệu quả nhất, nhanh nhất. Chẳng hạn, có thể thỏa thuận thay đổi hình thức giải quyết tranh chấp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm