Những nỗ lực của ngành tòa án và viện kiểm sát

Trong hai ngày cuối tuần (23 và 24-10), Quốc hội đã dành thời gian nghe và thảo luận báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp.

16 trường hợp đình chỉ do bị oan

Đáng chú ý, báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định năm 2021, toàn ngành kiểm sát tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, hoàn thành tốt chỉ tiêu của Quốc hội.

Báo cáo cho hay mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và yêu cầu giãn cách xã hội nhưng toàn ngành kiểm sát đã trực tiếp hỏi cung gần 46.000 bị can (tăng gần 33%). Điều này giúp bảo đảm các quyết định truy tố đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ, thay đổi, bổ sung...

Trong hai ngày cuối tuần (23 và 24-10), Quốc hội đã dành thời gian nghe và thảo luận báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí thừa nhận còn để xảy ra 16 trường hợp cơ quan điều tra, VKS đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm (cơ quan điều tra đình chỉ 12 trường hợp, VKS đình chỉ bốn trường hợp). Đây là những vụ án tài liệu ban đầu có căn cứ xác định hành vi phạm tội, cần tiến hành khởi tố điều tra nhưng quá trình điều tra, thu thập chứng cứ xác định hành vi của bị can không cấu thành tội phạm. “Viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên để xảy ra vi phạm” - báo cáo cho biết.

Thẩm tra báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành.

“Đề nghị VKSND Tối cao báo cáo có bao nhiêu trường hợp VKSND đã phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật (khoản 1 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ vẫn còn 32 trường hợp VKS phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố (tăng 9,4%); 38 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến TAND phải xét xử về khung hình phạt khác hoặc xét xử về tội danh khác so với tội danh VKSND đã truy tố.

Những tồn tại của ngành tòa án

Trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận ngành tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: Một số chỉ tiêu Quốc hội giao thực hiện thấp hơn các năm trước; tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tổ chức bộ máy của các tòa án chưa thực sự tinh gọn...

Các hạn chế, thiếu sót nêu trên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường gây rất nhiều khó khăn cho tòa án khi thực hiện nhiệm vụ. Mỗi năm, trung bình các tòa án thụ lý hơn 600.000 vụ việc, trong khi đó số lượng biên chế cán bộ, thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực, khó khăn rất lớn với tòa án.

Thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của TAND Tối cao về những kết quả đạt được. Cơ quan này cho rằng năm 2021, các TAND đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác khác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao.

“Đặc biệt, trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà TAND áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả…” - Ủy ban Tư pháp nhận định.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng chất lượng công tác này vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, vẫn còn trường hợp phải hủy án (chiếm 0,42%) và sửa án (chiếm 0,18%) do nguyên nhân chủ quan. Cạnh đó, theo báo cáo của VKSND Tối cao, VKSND các cấp đã ban hành 1.022 kiến nghị yêu cầu TAND khắc phục vi phạm trong giải quyết án hình sự.

Số lượng án tạm đình chỉ điều tra lớn

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. “Có những chỉ tiêu rất ấn tượng. Tôi đọc báo cáo thấy năm nay tỉ lệ VKS truy tố mà tòa tuyên không phạm tội là không có, có thể nói là không có trường hợp xét xử oan” - ông Phàn nói.

Nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao cũng nhận định trường hợp tạm đình chỉ điều tra vì không phạm tội cũng rất ít, chỉ có 16 người trong tổng số gần 175.200 bị can. “Tôi cho rằng ngành kiểm sát rất cố gắng. Đây là minh chứng thể hiện các cơ quan hết sức có trách nhiệm trong tình hình hiện nay” - ông Phàn nói tiếp.

Tuy nhiên, ông Phàn lưu ý số lượng án đang tạm đình chỉ điều tra là rất lớn. Theo ông, các vụ việc tạm đình chỉ điều tra chính là những vụ việc chúng ta đã khẳng định là có sự kiện phạm tội rồi nhưng đó có phải là tội phạm không và ai phạm tội thì phải đưa ra xét xử.

“Nhiều lần tôi phát biểu trên các diễn đàn, đây chính là cái nợ của các cơ quan tư pháp với nhân dân, với xã hội. Mình khẳng định đó là tội phạm nhưng không tìm ra để xử được, phải nợ và nợ thì đạo lý là chúng ta phải trả, phải nghiên cứu và tập trung để trả” - ông Phàn nói và đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong việc giải quyết án phải tạm đình chỉ điều tra để số lượng án này giảm hơn.

Ngành tòa án còn thiếu 1.780 người

Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay tính đến ngày 30-9, tổng số biên chế tòa án các cấp có 13.457 người, còn thiếu 1.780 người so với biên chế được giao. Lý do là từ tinh giản biên chế và giảm tự nhiên, đến nay các tòa án đã tinh giản đủ và vượt 10% biên chế theo quy định.

Ngoài ra, TAND hiện có hơn 16.800 hội thẩm nhân dân. TAND Tối cao đang nghiên cứu, xây dựng đề án Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm