Nói không với chính sách vì lợi ích riêng của bộ, ngành nào đó

Sáng 24-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Hội nghị nhằm đánh giá công tác xây dựng, thực thi pháp luật trong năm năm qua và đưa ra giải pháp cho thời gian tới.

Thực thi pháp luật còn yếu

Cho ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng đầy đủ, công khai, minh bạch và bao quát hết tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên vẫn còn các hạn chế như còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi, ổn định của chính sách chưa cao, nhiều chính sách còn chống chéo, mâu thuẫn. Đặc biệt là công tác thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu.

“Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành phát luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…” - Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đó, ông đề nghị cần phải nhanh chóng khắc phục, hoàn thiện các bất cập trong xây dựng chính sách pháp luật, nhất là phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của các cá nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Một quốc gia thành công hay không thành công chính là ở thể chế, pháp luật”. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Thủ tướng cho rằng thời gian qua, chúng ta thường hay lo xử lý các vụ việc như “cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia” mà chưa quan tâm đến công tác xây dựng thể chế. Do đó, cần phải thay đổi thói quen này.

Theo Thủ tướng, trong nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là năm năm qua, Quốc hội và Chính phủ coi xây dựng thể chế là đột phá chiến lược nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trung tâm. Cho đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi, đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa các thể chế kinh tế, thể chế chính trị, sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cũng chỉ rõ các bất cập hạn chế trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phải khắc phục ngay. Cụ thể, chất lượng một số dự án luật còn kém, nhiều dự án vòng đời tồn tại rất ngắn ngủi, phải sửa chữa. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Đánh giá tác động của các dự án luật làm chưa kỹ nên có những văn bản mới ra đời đã phải sửa chữa.

“Đặc biệt là xin lùi, xin rút vẫn còn. Quốc hội phải kêu nhiều. Nhất là công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn chưa có cơ chế đồng bộ, hiệu quả” - Thủ tướng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật chưa khắc phục triệt để, nhiều văn bản trái luật về nội dung, thẩm quyền, nhiều quy định chồng chéo nhau. Sự phối hợp với bộ ngành yếu. Cán bộ làm công tác pháp luật vừa thiếu vừa yếu. Nguồn tài chính cho công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng thực tiễn.

“Tôi đã nói mấy lần rồi, ít có ông Bộ trưởng nào đến thăm vụ pháp chế các bộ. Ít có ông vụ trưởng pháp chế nào có thể lên được thứ trưởng như ngân hàng nhà nước, tài nguyên môi trường, bộ kế hoạch đầu tư… toàn từ vụ tổ chức cán bộ đấy chứ” - Thủ tướng nói.

Nói không với lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Đảm bảo chất lượng dự án luật, đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế, tôn trọng, đảm bảo quyền lợi của người dân, khắc phục được tình trạng “quyền anh, quyền tôi”…

“Hiện nay đến 90% các dự án luật trình ra thường vụ và Quốc hội là do các bộ của chúng ta dự thảo nên không thể quyền anh quyền tôi, cái gì cũng cần phải qua bộ tôi. Đây là cái cực kỳ phải tránh” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Thực hiện công khai tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật của các bộ ngành hàng tháng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chống tham nhũng nói chung rất quan trọng nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, giữ liêm chính trong thực thi pháp luật càng quan trọng hơn. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm