Nước mắt hai người cha

TAND TP Cần Thơ vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Hồ (29 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tử hình về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án không ai khác chính là vợ của bị cáo. Bi kịch xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng hậu quả là một gia đình tan nát.

Chỉ vì ghen vô cớ

Hồ kết hôn với chị N. vào năm 2013 và sống chung với ông bà ngoại của vợ. Quá trình chung sống, Hồ ham mê cờ bạc nên có mượn của anh K. hơn 16 triệu đồng. Thế rồi vì không có tiền trả cho anh K. nên bị cáo đã bỏ lên TP.HCM. Từ đó anh K. thường đến nhà tìm chị N. để yêu cầu trả nợ.

Một ngày đầu tháng 8, Hồ từ TP.HCM về nhà thì biết thông tin vợ hay bỏ nhà đi, trong điện thoại lại có tin nhắn qua lại với anh K. nên bị cáo nảy sinh ghen tức. Hôm đó chị N. bị bệnh, buổi chiều cùng ngày thấy vợ định đi mua thuốc uống nên bị cáo ra sức cản không cho ra khỏi nhà. Lúc ấy chị N. thách thức và tức tưởi bỏ đi thì Hồ ngăn cản nhưng không được. Thấy vậy Hồ đi vào nhà bếp lấy dao tấn công khiến vợ tử vong. Hồ bị bắt ngay sau đó.

Suốt phiên xử, cả bà ngoại, mẹ của nạn nhân và rất nhiều người thân trong gia đình hai bên đều rơi nước mắt khi nghe VKS công bố cáo trạng. Mỗi tình tiết bị cáo thuật lại trong quá trình thẩm vấn như những nhát dao cứa thêm vào nỗi đau của họ.

Tòa hỏi: “Động cơ nào giết vợ?”. Hồ đáp: “Vì vợ thách thức nên bị cáo nóng nảy nhất thời không kiềm chế được bản thân”. Hồ lý giải rằng do có đọc thấy tin nhắn có nội dung tình cảm của vợ với anh K. nên đã ghen. Vị chủ tọa cho rằng công an đã lập biên bản kiểm tra tin nhắn của cả hai chiếc điện thoại nhưng không tìm thấy tin nhắn tình cảm như bị cáo nói. Lúc này Hồ im lặng, cúi đầu vì biết rằng lý do đưa ra biện minh cho việc làm của mình không phù hợp.

Bà ngoại và mẹ vợ bị cáo ôm mặt khóc, xin cho Hồ được sống. Ảnh: NN

Bị cáo Nguyễn Văn Hồ. Ảnh: NN

Cả gia đình xin cho được sống

Tòa hỏi, bà ngoại của nạn nhân nói: “Hoàn cảnh của Hồ tội nghiệp lắm. Nó mồ côi mẹ từ nhỏ, thiếu tình cảm và sự dạy bảo của mẹ. Dù sao thì cháu tôi cũng chết rồi, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho nó…”. Mẹ chị N. cũng khẩn thiết: “Xin tha tội chết cho nó. Con nó còn nhỏ. Đứa bé đã mất mẹ, giờ lại mất cha nữa, tội nghiệp lắm…”.

Phần luận tội, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên án tử hình bị cáo. Vừa nghe đến đây, cả mẹ và bà ngoại của chị N. đã bật khóc nức nở. Bên kia hàng ghế là tiếng khóc thút thít của những người nhà bị cáo.

Vị luật sư bào chữa cho Hồ đề nghị cho bị cáo được sống. Bị cáo cũng khẩn thiết xin tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội nuôi con và báo hiếu cho cha. Đến khi nói lời sau cùng, bị cáo chỉ biết ú ớ, không nói thành câu. Hồ gửi lời xin lỗi đến bà ngoại, cha mẹ vợ và nói rằng mình đã biết ăn năn, hối hận.

Khoảng thời gian tòa vào nghị án có lẽ là lúc ý nghĩa nhất với Hồ bởi bị cáo được gặp và nói chuyện với người thân. Biết rằng như vậy là sai quy định nhưng dường như lực lượng cảnh sát tư pháp cũng thông cảm và tạo điều kiện.

Giọt nước mắt muộn màng

Người đầu tiên Hồ gặp nói chuyện là mẹ vợ và bà ngoại vợ. Sau đó người em vợ bế con trai nhỏ của Hồ vào gặp cha. Nhìn cách Hồ âu yếm con, hôn lên mặt, lên má, lên bụng con, không ai nghĩ Hồ là hung thủ gây ra một vụ án nghiêm trọng. Và lúc này Hồ đã khóc.

Giọt nước mắt hối hận chảy dài trên mặt, nó cũng ngắn ngủi và vội vã như thời gian tòa nghị án. Hồ quay sang dặn cha ráng giữ gìn sức khỏe, giúp bị cáo nuôi con… Cha Hồ rút vội chiếc khăn trong túi áo lau nước mắt cho Hồ rồi ông cũng khóc và nói như trách móc: “Tao có mỗi đứa cháu nội, không lo cho nó thì lo cho ai!”. Chứng kiến cảnh tượng ấy ai cũng phải động lòng trắc ẩn.

Mẹ vợ của Hồ bảo rằng bà rất thương con rể, chỉ không ưa cái tật cờ bạc. Bà hỏi chúng tôi có cách nào giữ được mạng sống của con rể không vì không muốn thằng nhỏ mất cả mẹ lẫn cha. Câu chuyện chưa kết thúc thì HĐXX bước vào và tuyên bố đọc bản án.

Suốt thời gian chủ tọa đọc lời phân tích các tình tiết, mẹ vợ của bị cáo luôn chắp tay lẩm nhẩm điều gì đó như cầu xin cho bị cáo. Nhưng phép màu ấy đã không đến với bà khi cuối cùng tòa tuyên phạt Hồ mức án tử hình. Tòa tuyên bố bế mạc, bà tức tưởi đi hỏi thủ tục kháng cáo cho con rể. Bà ôm đứa cháu mà khóc nức nở khi rời tòa trong nắng chiều nhàn nhạt.

Hành vi đặc biệt nghiêm trọng

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận địa phương, gây ra cú sốc tâm lý lớn cho gia đình nạn nhân. Vì thế cần phải phạt bị cáo mức hình phạt cao nhất là tử hình mới tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm