Ông Nguyễn Bắc Son phản cung rồi lại nhận tội

Ngày 17-12 là ngày thứ hai xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. chỉ trong vòng gần 4 giờ đồng hồ, cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son có hai lời khai trái ngược nhau liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD.

9 giờ sáng, ông Son được dẫn vào phòng xử. Cựu bộ trưởng Son bị cách ly gần như suốt thời gian xét hỏi các bị cáo khác, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Lê Nam Trà không ngồi trên băng ghế dành cho bị cáo mà được ngồi ghế có lưng tựa.

Khai nhận 3 triệu USD để giữ mạng sống

1 tiếng rưỡi sau, ông Son bước lên bục khai báo và nhiều lần đề nghị HĐXX hỏi to hơn vì lý do ông có vấn đề ở tai, không nghe rõ.

“Tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào” - ông Son đáp khi HĐXX hỏi ông nhận được bao nhiêu tiền sau thương vụ mua bán AVG. Ông Son phủ nhận mọi lời khai trước đó của ông tại CQĐT về việc ông nhận hối lộ 3 triệu USD từ cựu chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ.

“Lúc đó tôi bị hoảng loạn nên khai như vậy” - ông giải thích và cho biết thời điểm lấy lời khai sức khỏe ông rất yếu, hai lần bị ngất trên bàn làm việc của CQĐT.

Chủ tọa phiên tòa truy việc không chỉ có lời khai, ông Son còn có bản tường trình, đơn đề nghị được lấy hơn 500 triệu đồng trong tài khoản để khắc phục hậu quả. Thậm chí bị cáo còn vẽ lại sơ đồ nơi Phạm Nhật Vũ đến đỗ xe, để tiền hay vẽ valy bị cáo cất tiền, đặt ở đâu sau khi nhận tiền của Vũ… Nghe vậy, ông Son đáp: “Theo hướng dẫn của CQĐT, tôi đã làm điều đó”.

Ông Son thừa nhận đã viết thư gửi cho vợ và con gái nhưng sau đó đã xin rút lại. Suốt quá trình trả lời thẩm vấn, cựu bộ trưởng vài lần nhắc tới các cụm từ “sức khỏe yếu”, “tinh thần hoảng loạn”, “để giữ mạng sống” để lý giải về những lời khai nhận tội trước đó của mình.

Ông Son khai: “Ban đầu không phải tôi khai số liệu 3 triệu USD mà là con số khác, bằng tiền Việt nhưng CQĐT nói khai vậy không được, còn không bằng con số “quân” anh nhận. CQĐT sau đó lại xé bản cung đi, viết bản khác…”.

Nghe vậy, thẩm phán Trương Việt Toàn đã trích đọc một phần lá thư ông Son gửi cho vợ: “Anh rất mong em và các con tha lỗi cho anh. Anh rất đau khổ trong những tháng ngày đã qua. Song anh luôn luôn tin tưởng em sẽ vững vàng thay anh gánh vác việc nhà như em đã từng làm trong thời gian anh vắng nhà trước đây khi còn công tác. Lý ạ, anh đã khai báo với CQĐT về việc sau khi ký hợp đồng mua bán hoàn tất, Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD”.

Thẩm phán Toàn hỏi: “Lời lẽ trong thư có phải của người tâm thần hoảng loạn không?”. Ông Son không trả lời được câu hỏi này.

Tương tự, ông Son cũng phủ nhận đã nhận tiền từ hai lãnh đạo MobiFone là ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải.

Tuy nhiên, bất ngờ tới đầu giờ xét xử buổi chiều, ông Son lại xin thay đổi lời khai, giữ lại lời khai tại CQĐT. Ông thừa nhận đã nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, số tiền này ông không đưa cho con gái mà giữ lại để tiêu dùng cá nhân.

HĐXX hỏi: “Vì sao bị cáo lại thay đổi lời khai?”. “Tôi cũng không hiểu tâm trạng của mình thế nào. Tôi chỉ thấy làm sao phải bảo đảm đúng những gì đã làm, đã diễn ra” - ông Son đáp.

Ông Son cũng khai đã nhận của ông Lê Nam Trà 200.000 USD và nhận của ông Cao Duy Hải 200 triệu đồng. Trong khi đó, ông Trà khai biếu ông Son 700.000 USD, ông Hải biếu 200.000 USD. Ông Son khẳng định lời khai lúc này của ông trong tình trạng “tinh thần và sức khỏe ổn định”. Ông hứa sẽ hoàn trả số tiền đã nhận trong thời gian sớm nhất.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son đang trả lời HĐXX. Ảnh: TP

“Là bộ trưởng không thể nhầm lẫn về những điều tối thiểu”

Trước đó ông Son cũng phủ nhận nhiều lời khai quan trọng của các “thuộc cấp” Lê Nam Trà, Cao Duy Hải… Chẳng hạn bị cáo khẳng định ông không chỉ đạo ông Trà (cựu chủ tịch HĐTV MobiFone) ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG khi mà cựu tổng giám đốc Hải từ chối ký vì cảm thấy “chưa yên tâm”.

Ông Son nói: “Hôm họp tổng kết, anh Trà báo cáo MobiFone đã làm công tác chuẩn bị xong xuôi hết rồi, đã phân công cho anh Hải nhưng anh Hải chưa ký. Tôi nói việc ký hay không là công việc nội bộ của MobiFone, hai anh đều là người đại diện theo pháp luật của MobiFone, ký hay không thì thống nhất với nhau. Cáo trạng nêu tôi chỉ đạo anh Trà phải ký trong ngày 25-12 là không đúng”.

Ông Son thừa nhận có ký văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng ủng hộ MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình. Trước khi nhận được ý kiến của Thủ tướng, Bộ TT&TT nhận được văn bản tham mưu cho Thủ tướng của Bộ KH&ĐT. Văn bản này đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư truyền hình của MobiFone, giao cho Bộ TT&TT phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định. Văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng sau đó cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ KH&ĐT.

“Nhưng quan trọng nhất, Thủ tướng ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư chưa?” - thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi. “Lúc đó chúng tôi hiểu là Thủ tướng đã đồng ý rồi” - ông Son trả lời.

“Thông báo khác quyết định, một thông báo không thể “coi như là” quyết định được” - thẩm phán Toàn phản bác.

Ông Son cho rằng thông báo của Văn phòng Chính phủ đã chứa đựng các yếu tố pháp luật rồi, đó không phải là thông báo bình thường. Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua AVG để đầu tư dịch vụ truyền hình.

Thẩm phán Toàn ngắt lời ông Son: “Bị cáo nên nhớ vai trò của bị cáo là bộ trưởng. Đã là bộ trưởng thì không thể nhầm lẫn về những cái mang tính tối thiểu như vậy. Tại CQĐT, bị cáo đã khai báo rất rõ ràng việc thực hiện dự án khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng là chưa đúng thẩm quyền”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.

“Ký để có thêm ít tiền mua sữa cho con”

Theo cáo trạng, MobiFone đã thuê Công ty AMAX thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG để làm căn cứ xem xét, quyết định việc mua bán. AMAX đã xác định giá trị doanh nghiệp AVG là hơn 16.500 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. MobiFone sau đó đã sử dụng kết quả thẩm định giá này làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 6.600 tỉ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng Duy Quang (thẩm định viên, giám đốc Chi nhánh phía bắc của AMAX) thừa nhận mình không có kinh nghiệm về định giá doanh nghiệp, không làm gì nhưng vẫn ký vào chứng thư và báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp.

Bị cáo này thừa nhận mình không bị ai ép buộc, chỉ đạo phải ký. “Ký được hưởng 15% giá trị hợp đồng, thêm được 18 triệu, cũng thêm được ít tiền mua sữa cho con. Nếu không ký chỉ được 10% hoa hồng”.

Hồ sơ vụ án thể hiện MobiFone đã thanh toán cho AMAX 440 triệu đồng tiền phí thẩm định. Bị cáo Quang được hưởng lợi 60 triệu đồng tiền hoa hồng, sau khi nộp thuế thu nhập cá nhân còn lại 54 triệu đồng.

Vợ nói tốt cho chồng

HĐXX đã cho phép bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, vợ ông Phạm Nhật Vũ, phát biểu. Bà này bày tỏ lòng biết ơn HĐXX đã cho phép bà phát biểu.

Bà nói: “Chồng tôi đã nhận thức và thành thật ăn năn, về nhà động viên gia đình, vợ con phải khắc phục, không để cho Nhà nước phải thiệt hại. Để trả lại số tiền này, chồng tôi đã phải vay mượn rất nhiều. Chồng tôi là người duy nhất theo tôi biết trong lịch sử các vụ án của Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại liên quan đến vụ án với số tiền lớn như vậy.

Khi sự việc xảy ra, chồng tôi đã đứng lại chịu trách nhiệm, không trốn tránh, dù anh ấy có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài. Cũng có nhiều người khuyên anh ấy làm như vậy. Anh ấy từng tâm sự với tôi rằng mình phải khắc phục để chứng minh mình không lấy tiền của Nhà nước, của nhân dân.

Tôi đã đồng ý và cùng với chồng thực hiện điều này. Chúng tôi đã phải gom góp tiền trong gần một năm để trả lại cho MobiFone, chúng tôi đang phải mang khoản nợ gần 1.000 tỉ đồng. Thái độ ấy, suy nghĩ, việc làm ấy của chồng tôi có được xem là rất tử tế không, có xứng đáng được nhận sự khoan hồng thật đặc biệt không?

Dù tôi sống ở Việt Nam nhiều năm rồi, đã hòa nhập với cuộc sống ở đây, coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình nhưng tôi vẫn là người có văn hóa khác, có phong tục khác và còn nhiều cái khác nữa. Đối với tôi, anh Vũ là sợi dây lớn nhất và duy nhất gắn bó tôi với cuộc sống ở đây. Nếu bây giờ sợi dây ấy mất đi thì mẹ con tôi sẽ vô cùng bế tắc...”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm