Ông Trầm Bê lý giải lý do ông Danh phải đến gặp trước

Ngày 11-1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.

Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo về hành vi Trầm Bê và Phan Huy Khang (lãnh đạo cấp cao của Sacombank) ký duyệt cho sáu công ty "ma" của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng dẫn đến VNCB thiệt hại 1.835 tỉ đồng.

Trả lời luật sư, ông Trầm Bê cho biết có gặp Phạm Công Danh. Cụ thể thì không nhớ, trên dưới 23-30 phút mỗi lần gặp, gặp hai lần.

“Do đây là hạn mức tín dụng thuộc cấp độ tôi xử lý nên tôi phải gặp khách hàng. Không chỉ riêng ông Phạm Công Danh mà những khách hàng thuộc phạm vi xử lý của tôi thì tôi gặp” - ông Bê nói.

Cũng theo ông Bê, khi gặp Danh đề xuất vay ngàn mấy, hai ngàn tỉ đồng và ông đòi phải có tài sản thế chấp là bất động sản, tiền gửi, tiền thì cho vay. Sau đó ông giao cho Phan Huy Khang thực hiện theo quy định.

Ông Trầm Bê.

Ông Bê cũng lý giải vì sao ông Danh phải gặp ông mới được. Vì Sacombank phân cấp theo hạn mức của từng mức. Ví dụ, chi nhánh 10 tỉ đồng thì xử lý thuộc hạn mức.

“Thuộc mức dưới 1.800 tỉ đồng là thuộc thẩm quyền của tôi, còn trên mức đó phải trình hội đồng tín dụng mới cho vay. Chính vì thế anh Danh mới phải gặp tôi trước” - ông Bê nhấn mạnh.

Luật sư hỏi ông Bê có biết lúc này VNCB đang bị giám sát đặc biệt, ông Bê đáp: “Tôi không biết chứ nếu biết thì đã không cho vay hoặc phải có ý kiến của tổ giám sát đặc biệt".

Sai phạm của Sacombank

Theo kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước, việc Sacombank cho sáu công ty vay 1.800 tỉ đồng có các sai phạm như sau:

- Việc Sacombank xem xét để quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng là thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.

- Tại hợp đồng bảo lãnh, về phía Ngân hàng Đại Tín chỉ có ông Phan Thành Mai là người đại diện theo pháp luật ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh.

- Việc Sacombank xem xét và quyết định cho vay và Ngân hàng Đại Tín chưa thực hiện bảo đảm tiền vay theo đúng quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay.

- Việc Sacombank Chi nhánh quận 8, Chi nhánh Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ vủa tổ chức tín dụng theo quy định.

Cũng theo giám định này, đến thời điểm giám định thì Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với sáu công ty liên quan đến Phạm Công Danh. Việc bảo lãnh của VNCB cho sáu công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 1.835 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm