Phải bồi thường vì công nhân bị ngộ độc cơm

Công ty H. có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM trình bày trong đơn khởi kiện rằng có ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp cho Công ty S. tại huyện Châu Thành, Bến Tre. Theo đó, Công ty H. cung cấp suất ăn trưa, chiều và ca đêm cho công nhân đang làm việc tại Công ty S. theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Trong tháng 5-2017, Công ty H. đã cung cấp suất ăn cho công nhân với số tiền khoảng 200 triệu đồng. khi đề nghị thanh toán thì phía Công ty S. từ chối với lý do trong bữa cơm trưa 19-5-2017 có 53 công nhân của công ty bị ngộ độc làm thiệt hại hơn 185 triệu đồng. nếu cấn trừ thì Công ty S. chỉ phải thanh toán cho Công ty H. hơn 14 triệu đồng nữa.

Phía Công ty H. có công văn yêu cầu Công ty S. cung cấp chứng từ về vụ việc để hỗ trợ nhưng chưa được cung cấp đầy đủ. Trong khi theo hợp đồng thì không có việc cấn trừ nợ như Công ty S. yêu cầu. Vì vậy Công ty H. khởi kiện yêu cầu đối tác phải thanh toán 200 triệu đồng và lãi suất cho đến khi tòa xét xử.

Tại tòa, phía Công ty S. cho rằng sau khi ăn xong cơm trưa, nhiều công nhân ói, ngất xỉu nên phải đưa họ đến bệnh xá gần nhất để điều trị. Hôm sau, sức khỏe của các công nhân chưa phục hồi nên họ đề nghị được nghỉ trong khi công ty vẫn phải trả lương đầy đủ. Sự việc 53 công nhân phải nhập viện, Chi cục VSATTP tỉnh Bến Tre có lấy mẫu kiểm tra và kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm.

Đến ngày 23-5-2017, công ty H. tiếp tục cung cấp thức ăn kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP nên Công ty S. phải bỏ tiền mua thêm bánh mì để phát cho công nhân ăn. Do đó dù còn thiếu tiền nhưng nguyên đơn lại là người gây ra sự cố ngộ độc thực phẩm nên công ty S. không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Đồng thời, Công ty S. có yêu cầu phản tố, yêu cầu nguyên đơn bồi thường tiền lương của một ngày 53 công nhân phải nghỉ việc do ngộ độc, tiền mua bánh mì, viện phí, tiền xe cấp cứu, tiền taxi chuyển viện, tổng cộng hơn 185 triệu đồng.

Vụ kiện được TAND huyện Châu Thành thụ lý. Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, HĐXX cho rằng phía Công ty S. thừa nhận chưa thanh toán số tiền cơm còn nợ nên yêu cầu khởi kiện của Công ty H. là có căn cứ.

Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 19-5-2017 có chứng kiến của đại diện hai bên công ty, ban quản lý và công đoàn khu công nghiệp, Chi cục VSATTP. Việc ngộ độc thực tế có xảy ra nên việc chậm thanh toán tiền cơm là do yếu tố khách quan, do đó yêu cầu về lãi suất chậm thanh toán của Công ty H. là không được chấp nhận.

Theo HĐXX, trong hợp đồng giữa hai bên có ghi công ty H. có trách nhiệm kiểm tra VSATTP, nếu xảy ra ngộ độc thì phải chịu thanh toán các chi phí hợp lý. Như vậy yêu cầu phản tố của Công ty S. là có căn cứ. Tuy nhiên, chứng cứ mà bị đơn cung cấp là bảng lương chi cho một ngày của toàn bộ 53 công nhân là không phù hợp. Việc bị đơn tự ý cho tất cả công nhân nghỉ việc mà vẫn trả lương thì phải tự chịu.

Đối với tiền mua bánh mì vào ngày 23-5, Công ty S. yêu cầu trả nhưng không có chứng cứ nào thể hiện có sự việc này. Vì vậy HĐXX chỉ chấp nhận yêu cầu của Công ty S., buộc Công ty H. phải bồi thường các khoản viện phí, tiền xe cấp cứu, tiền chuyển viện và khoản lương chi trả cho 53 công nhân bị ngộ độc, tổng cộng là hơn 38 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm