Phải xác nhận chữ ký trong đơn nhờ luật sư?

Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng vừa có văn bản gửi hai công ty luật và hai văn phòng luật sư (LS) về việc đề nghị phối hợp điều tra. Điều đặc biệt là đề nghị này liên quan đến việc bị can phải xác nhận chữ ký của mình trong đơn nhờ LS để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các LS.

Nhờ LS vận động bị can

Trước đó, bốn LS của bốn tổ chức hành nghề LS nêu trên có giấy giới thiệu đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa để bảo vệ cho bà Bùi Thị Kim Hoa (ngụ xã Lộc Nam, Bảo Lâm) bị khởi tố về tội xâm phạm chỗ ở của công dân.

Sau khi nhận đề nghị nêu trên, cơ quan CSĐT công an huyện đã triệu tập bị can Hoa để làm rõ một số nội dung liên quan trong các đơn nhờ LS đề ngày 27-10 (phần người nhờ LS có chữ ký, họ tên ghi Bùi Thị Kim Hoa) nhưng bị can không chấp hành.

Do đó, cơ quan CSĐT chưa có căn cứ để xác định bị can Hoa đã nhờ các LS bào chữa hay không nên chưa có đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định pháp luật. “Để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lâm đề nghị hai công ty luật và hai văn phòng LS phối hợp vận động bị can Hoa chấp hành giấy triệu tập của CQĐT” - văn bản nêu.

Căn nhà bà Hoa đã bẻ khóa vào ở và bị khởi tố. Ảnh: CTV

“Đẻ” thêm thủ tục mới

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, khoản 4 Điều 56 BLTTHS 2003 và khoản 3 Điều 5 Thông tư 70/2011 của Bộ Công an quy định thời hạn để cấp giấy chứng nhận bào chữa là ba ngày. Điều 78 BLTTHS 2015, Nghị quyết 110/2015 của Quốc hội quy định thủ tục đăng ký bào chữa phải được giải quyết trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ.

Trong thời gian này, cơ quan CSĐT phải kiểm tra, xác minh việc bị can có nhờ LS thật hay không. Việc đơn giản là trong lúc triệu tập bị can lấy lời khai thì kết hợp hỏi luôn có nhờ bốn LS hay không thì sẽ rõ ý chí của bị can. Theo văn bản này, cơ quan CSĐT đã triệu tập và bà Hoa không đến nhưng họ không có biện pháp nào xác minh, kiểm tra khác là chưa làm hết trách nhiệm.

LS Trần Thị Ánh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trường hợp này không thuộc phạm vi điều tra giải quyết vụ án mà cơ quan CSĐT đang thụ lý đối với bị can. BLTTHS không có quy định nào về việc LS phải có nghĩa vụ vận động bị can hoặc phối hợp với công an chấp hành giấy triệu tập nhằm làm rõ nội dung có liên quan đến việc nhờ LS bào chữa. “Cơ quan CSĐT đang né việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, gián tiếp làm khó việc nhờ LS bào chữa của bị can” - LS Ánh nói.

“Bốn LS đã nộp đủ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định, cấp hay không cứ thông báo thẳng cho LS. Việc triệu tập bị can để làm rõ nội dung liên quan đến đơn nhờ LS là không đúng” - LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) nhận định. Theo LS Hiệp, việc đưa ra lý do là bị can không đến để kết luận chưa có căn cứ để cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các LS là cơ quan CSĐT tự “đẻ” ra thủ tục mới, làm khó LS.

Hạn chế quyền bào chữa

LS Nguyễn Sa Linh và LS Bùi Quốc Tuấn (cùng Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trường hợp này cơ quan CSĐT đã hạn chế quyền bào chữa của bị can và quyền hành nghề của LS.

Theo Điều 56, 57 và 58 BLTTHS thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can... Cạnh đó, theo Thông tư 70/2011 của Bộ Công an thì ngay khi lập biên bản giao nhận quyết định khởi tố thì điều tra viên bắt buộc phải hỏi và ghi nhận vào trong biên bản ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không.

“Nếu không cần nhờ LS thì bất cứ giai đoạn nào bị can, bị cáo cũng có thể nêu ra ý chí của mình, không cần phải hỏi, hà cớ gì phải mời bị can lên hỏi. Còn nếu nghi ngờ đơn nhờ LS đó là giả mạo thì cơ quan CSĐT phải có chứng cứ và có thể tự đi tìm hiểu” - LS Tuấn nói.

LS Lê Quang Y (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng không có quy định nào để cơ quan CSĐT triệu tập bị can đang tại ngoại đến để lấy ý kiến về việc có nhờ LS hay không. Luật chỉ quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa và các trường hợp bị từ chối cấp giấy theo khoản 14 Điều 1 Luật LS. Còn nếu LS cung cấp đơn sai sự thật hoặc nộp giấy tờ giả mạo thì LS phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Nội dung vụ việc

Tháng 7-2009, gia đình bà Hoa được cấp giấy đỏ 64 m(phần giữa thửa đất), còn lại 130 m2 là đất nông nghiệp và vướng quy hoạch nên không được cấp giấy. Nhưng gia đình bà có căn nhà xây dựng trên phần đất này.

Sau đó vợ chồng bà Hoa tặng cho vợ chồng con gái phần đất ở 64 m2 (đã đăng ký sang tên). Năm 2012, con gái bà Hoa bị bà B. kiện đòi nợ và bị tòa buộc trả nợ gần 69 triệu đồng.

Tháng 11-2014, Chi cục Thi hành án (THA) huyện Bảo Lâm cưỡng chế, kê biên cả nhà 187 m2 và 64 m2 đất, để bán đấu giá. Đầu năm 2016, THA cưỡng chế giao cả nhà và đất cho bà B. (người trúng đấu giá), tiếp đó bà này bán phần căn nhà cho ông A.

Sau khi chồng bà Hoa mất,  bà đã cắt khóa vào chiếm lại căn nhà để thờ cúng. Bà Hoa cho rằng THA chỉ được quyền bán 64 m2 đất là tài sản của con gái bà, còn căn nhà và khoảng 130 m2 đất còn lại vẫn thuộc sở hữu của bà. Ngày 16-10, Cơ quan CSĐT Công an huyện ra quyết định khởi tố bà Hoa về tội xâm phạm chỗ ở của công dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm