Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước

Theo đúng kế hoạch, sáng nay (18-7), Tòa Cấp cao TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ trọng án thảm sát Bình Phước. Ba bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại được dẫn giải đến tòa.

Bị cáo chính của vụ án là Nguyễn Hải Dương không có đơn kháng cáo song vẫn được triệu tập đến tòa để cho lời khai. Bị cáo Tiến xin giảm nhẹ hình phạt tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên, bị cáo Thoại cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (16 năm tù giam), kêu oan không đồng phạm giết người mà chỉ đồng phạm cướp tài sản.

Phía bị hại có đơn kháng cáo, đề nghị tăng án cho các bị cáo và xem xét vai trò của bà Trần Thị Trinh (dì ruột của Dương).

Phát biểu quan điểm tại tòa sáng nay, đại diện VKS cho rằng không có căn cứ để chấp thuận ba bản kháng cáo trên và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phiên xử chiều nay (18-7) mở đầu với phần tranh luận của đại diện VKS và các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo.

Bấm F5 để tiếp tục cập nhật

14 giờ 20

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 1
Đại diện VKS nêu quan điểm.

Đại diện VKS phát biểu tranh luận với LS Lê Văn Nam. Về tình tiết tăng nặng man rợ được áp dụng đối với việc sát hại ông Mỹ, bà Nga, cháu Vỹ, những người không có mâu thuẫn, không có tài sản để cướp - đây là hành vi mang tính côn đồ.
Tiến có nhiều cơ hội để dừng lại hoặc bỏ về khi Dương kiên quyết gây án nhưng Tiến đã không làm như vậy.
Sự giúp sức tích cực của Tiến thể hiện lúc Dương dùng súng điện chích ông Mỹ, ông vùng vẫy, Tiến không trói được nên đã nói: "Mày chích kiểu gì vậy? Chích lại coi".
Cơ hội cuối cùng của Tiến là làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá.

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 2
Các bị cáo tại tòa.

Đối đáp với LS bào chữa cho Thoại, đại diện VKS cho rằng Thoại đã định trước là giết người. Qua quá trình bàn bạc, Thoại biết rõ Dương rủ đi giết người. Cụ thể, Thoại đã nói: “Thù ai giết người đó, tại sao phải giết cháu Vỹ...”.

Đáp lại, LS Phạm Quốc Hưng đề nghị VKS nêu rõ số bút lục. Theo ông, Thoại chỉ nói: “Người ta thiếu tiền thì lên đòi lại, sao phải cướp?”. Dương trả lời: “Em lên kế hoạch hết rồi”, điều này cho thấy kế hoạch là do một mình Dương nghĩ ra.

14 giờ 40

LS Hưng tiếp tục nêu luận điểm, Thoại chỉ nói: “Sao phải giết thằng nhóc? Có cách nào lấy được tiền mà không giết người được không?”.

Mỗi khi Dương trả lời thì Thoại im lặng. Cuối cùng Thoại nói: “Ừ, để lên coi sao...”. Nếu căn cứ vào những câu nói trên mà quy kết Thoại đồng ý đi giết người là suy đoán có tội, trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.

LS Hưng ví dụ trường hợp của Thoại với chuyện… đi ăn phở. Giả sử định đi ăn phở nhưng tới nơi tiệm phở chưa mở cửa, vậy coi như ăn phở rồi mà chưa đạt. “Làm gì có chuyện vô lý như vậy được? Càng không có căn cứ để quy kết Thoại vào tình tiết giết người có tính chất man rợ” - LS Hưng nhấn mạnh.

Phần này đại diện VKS đã không tranh luận vì nhận định một vấn đề chỉ tranh luận một lần, không tranh luận thêm kèm theo khẳng định mức hình phạt tòa sơ thẩm tuyên đã thỏa đáng, đúng người đúng tội.

LS Nam không đồng tình với đại diện VKS về quan điểm đánh giá hành vi của Tiến côn đồ và man rợ. “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Vô hình trung tạo tư tưởng cho người chuẩn bị phạm tội vì có quay đầu cũng không được khoan hồng”.

15 giờ 00

Kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Tiến xin lỗi gia đình bị hại, nếu được sống Tiến mong sẽ được bồi thường thiệt hại phần nào cho người thân các nạn nhân.

Bị cáo Thoại cũng xin được tạ lỗi với gia đình bị hại, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

HĐXX vào nghị án.

Mẹ bị cáo Tiến quỳ lạy, xin lỗi gia đình bị hại. Nguồn: VNE

Người phụ nữ áo hồng trong clip này là mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến. Sáng nay tại tòa, bà và người thân đã quỳ lạy trước mặt những người thân của gia đình nạn nhân Lê Văn Mỹ để tạ tội. Bây giờ trên hàng ghế của phòng xử, bà đang khóc ngất vì lo lắng cho số phận đứa con của mình.

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 3
Mẹ bị cáo Tiến khóc suốt phiên xử.

Phía trên, hàng ghế dành cho gia đình người bị hai, sáu di ảnh của sáu nạn nhân như ám ảnh tất cả những người có mặt. Những khuôn mặt đau buồn, nặng nề của thân nhân khi chờ phán quyết của tòa. 

Cho dù kết quả xử như thế nào thì sự thật là cả một gia đình sáu mạng người đã bị tước đoạt trong một đêm, không gì có thể bù đắp, không gì có thể thay đổi được kết cục bi thảm đó. 

Ba bị cáo với gương mặt còn rất trẻ im lìm trước vành móng ngựa, cúi đầu chờ đợi bản án dành cho mình. Mọi câu "giá như" lúc này đều đã vô nghĩa.

Việc làm của các bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là tội ác không thể tha thứ, gieo nỗi ám ảnh và đau khổ khôn nguôi không chỉ cho người bị hại mà còn cho chính gia đình mình. 

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 4
Gia đình nạn nhân.

15 giờ 30 tòa tuyên án

Tòa bắt đầu tuyên án. Mẹ của bị cáo Tiến liên tục chắp tay cầu nguyện, mong một phép màu, con bà có cơ hội được sống.

Tòa nhận định bản án sơ thẩm đúng pháp luật, đáp ứng được mong mỏi của dư luận. Tiến mặc dù có bị Dương khống chế nhưng đã đồng ý làm đồng phạm tích cực. Hành vi quá tàn ác, không còn khả năng cải tạo. Không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.

Thoại không trực tiếp thực hiện vụ án nhưng đã biết trước được kế hoạch. Thoại không tham gia vì bất ngờ có tin bà ngoại bệnh, do đó không có cơ sở giảm án cho Thoại.

Về bà Trần Thị Trinh (dì của bị cáo Dương), HĐXX nhận định không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của phía bị hại. Cơ quan điều tra đã làm rõ bà Trinh không có vai trò, không liên quan trong vụ án này. 

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 5
Các bị cáo chờ nghe tuyên án.

Từ những căn cứ trên, thay mặt HĐXX, Thẩm phán Nguyễn Hữu Ba tuyên đọc bản án như sau:

"Bác toàn bộ kháng cáo của hai bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại, tuyên y án sơ thẩm.

Hình phạt tử hình đối với bị cáo Vũ Văn Tiến về hai tội giết người, cướp tài sản; 16 năm tù giam đối với bị cáo Trần Đình Thoại về hai tội giết người, cướp tài sản. Trong vòng bảy ngày, bị cáo Tiến có quyền viết thư cho Chủ tịch nước để xin ân xá".

Tòa tuyên án. 

Phiên tòa kết thúc, các bị cáo được dẫn giải ra khỏi tòa. Mẹ của bị cáo Tiến không cầm được nước mắt, bà khóc nức nở và phải có người thân dìu mới đi được ra khỏi phòng xử.

Sau khi tòa tuyên án, với sự hỗ trợ của cảnh vệ an ninh, dòng người lặng lẽ ra về, không ồn ào, không phẫn nộ như ở phiên tòa sơ thẩm nhưng không khí nặng nề, tang thương bao trùm lên tất cả.

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 6
Bà Thi đau đớn vì kháng cáo của Tiến bị bác bỏ.

Trước sân tòa vẫn còn rất đông người dân đứng lại theo dõi chiếc xe tù chở ba bị cáo về trại giam. Có những người lớn tuổi ở các quận khá xa cũng đến dự phiên tòa. 

Bà Bảy (60 tuổi, ngụ Gò Vấp) cho biết: "Sáng nay xem tivi tôi mới biết hôm nay xử vụ án này. Tôi cũng đoán kết quả nhưng vẫn tới tận nơi để xem. Tôi muốn nhìn tận mặt những kẻ gây ra vụ án kinh hoàng đó".

Đứng gần bà Bảy là một cô gái còn trẻ. Cô cho biết mình là nhân viên văn phòng, làm việc ở gần trụ sở tòa. "Khi biết tòa sắp tuyên án, tôi đã đến xem để nhìn mặt thật của (các bị cáo)". 

Phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước ảnh 7
Bị cáo Tiến không được chấp nhận kháng cáo, y án tử hình.

Vụ thảm sát ngày 7-7 tại cơ sở gỗ Quốc Anh (Bình Phước) khiến cả gia đình ông Lê Văn Mỹ - sáu người thiệt mạng cho đến hôm nay vẫn gây kinh hoàng và căm phẫn sâu sắc trong lòng người dân cả nước. 

Phán quyết của tòa án là đúng người, đúng tội. Các bị cáo đã phải chịu trách nhiệm và hình phạt thích đáng trước pháp luật. Thế nhưng có thể chính các bị cáo cũng khó có thể tự tha thứ cho hành động của mình.

Vụ thảm sát Bình Phước sẽ còn để lại vết thương cho những người có mặt hôm nay và cả xã hội trong một thời gian dài. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.