PVN không xin giảm án cho ông Đinh La Thăng

Ngày 10-5, đại diện VKS đã nêu quan điểm về kháng cáo của các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

VKS: “Mức án dành cho ông Thăng là phù hợp”

Theo đại diện VKS, cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm đã xử. Tuy nhiên, tại tòa, ông Thăng không có tình tiết giảm nhẹ mới nên đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên “là phù hợp”.

Ngoài ông Thăng, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh; cựu phó chủ tịch HĐQT PVC Nguyễn Ngọc Quý; cựu phó tổng giám đốc (TGĐ) PVC Trương Quốc Dũng; cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch Lương Ngọc Hòa; cựu kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 Trần Văn Nguyên; cựu trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 Vũ Hồng Chương.

Với bảy bị cáo trên, VKS đề nghị họ thực hiện quyền “nếu thấy mình có tội thì thừa nhận”. “Trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, các bị cáo vẫn được thực hiện quyền của mình. Bản án sơ thẩm quy kết mình có tội, nếu thấy có tội rồi thì nhận. Đây là điều kiện rất quan trọng để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hay không” - đại diện VKS nói.

Cạnh đó, đại diện VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho cựu TGĐ PVN Phùng Đình Thực; cựu phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh; cựu phó trưởng Ban Kế toán và kiểm toán PVN Lê Đình Mậu; cựu phó TGĐ PVC Nguyễn Anh Minh; cựu phó TGĐ PVC Nguyễn Mạnh Tiến và cựu chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển. Riêng cựu TGĐ PVC Vũ Đức Thuận được đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt đối với tội cố ý làm trái… và giữ nguyên hình phạt đối với tội tham ô tài sản.

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm tổng hợp phiên xét hỏi tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

“Truy tố của VKS và áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm là có căn cứ, không oan sai đối với tất cả bị cáo. Không có căn cứ để VKS thay đổi tội danh đối với bị cáo Thăng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - đại diện VKS cho hay.

Vị này cho biết thêm: VKS đề nghị giảm hình phạt cho bảy bị cáo căn cứ vào thái độ khắc phục hậu quả của họ và các tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công, các bị cáo có thành tích trong công tác. Tuy nhiên, VKS chưa đề nghị mức giảm hình phạt cụ thể mà dành phần này cho phần tranh luận bổ sung.

Đại diện VKS sau đó đề nghị bị cáo Phùng Đình Thực và các luật sư (LS) tập trung tranh tụng về việc bị cáo Thực có nhận được văn bản (cảnh báo của PVPower về những sai phạm của hợp đồng 33 và văn bản liên quan đến điều kiện tạm ứng cho PVC của ban quản lý dự án - PV) hay không vì “phần này rất quan trọng”. Nếu nhận được thì tính chất tội phạm khác, nếu không nhận được sẽ liên quan đến việc kết luận là có tội hoặc không có tội.

Ông Thăng: “Tôi rất tha thiết mong HĐXX xem xét”

Trước đó, HĐXX và LS của ông Đinh La Thăng đã xét hỏi thêm đối với ông Thăng. Suốt quá trình thẩm vấn, ông Thăng chống hai tay lên bục khai báo dành cho bị cáo. Trả lời các câu hỏi, ông luôn “thưa HĐXX” và xưng “tôi” chứ không xưng là “bị cáo” như ở phiên tòa sơ thẩm.

Ông Thăng tiếp tục khẳng định thời điểm PVC được chỉ định làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không có bất kỳ một nhà thầu Việt Nam nào có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW và hai tổ máy. Chỉ duy nhất nhà thầu Lilama được Chính phủ chỉ định làm tổng thầu dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 nhưng Lilama cũng lần đầu tiên thực hiện và dự án này cũng bị chậm tiến độ hơn ba năm.

“Xin phép HĐXX, cho phép tôi rất tha thiết mong HĐXX xem xét một cách hết sức rộng lượng về việc chỉ định PVC làm tổng thầu. Điều kiện thực tế, bối cảnh đất nước ta lúc đó như vậy” - ông Thăng nói và khai thời điểm đó, không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào đồng ý làm liên danh.

“Việc chỉ định thầu đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, sự chỉ đạo của tập đoàn rất quyết liệt nhưng quá trình thực hiện, một số đơn vị đã sai phạm...” - ông Thăng nói thêm.

Ông Thăng sau đó cũng phủ nhận quy buộc của cấp sơ thẩm về việc ông chỉ đạo tạm ứng để hỗ trợ cho PVC có vốn giải quyết khó khăn. “Nếu vậy, tôi đã không yêu cầu tiền tạm ứng của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 phải được sử dụng cho Thái Bình 2, không được sử dụng cho mục đích khác. Quy buộc đó không phù hợp với thực tế” - ông Thăng khẳng định và cho rằng PVC đã sử dụng tiền tạm ứng không đúng quy định của pháp luật và không đúng chỉ đạo trực tiếp của ông tại công trường.

“Bị cáo đã có thủ tục gì để mời thầu các đơn vị khác, kể cả nước ngoài, đến tham gia liên danh tổng thầu theo nghị quyết của HĐTV PVN?” - chủ tọa hỏi ông Thăng.

“Đó là do chủ động của chủ đầu tư và tổng thầu. Tôi không biết, không chỉ đạo việc này” - ông Thăng đáp.

“Vậy căn cứ vào đâu bị cáo trả lời LS là không có nhà thầu nước ngoài nào tham gia vào liên danh tổng thầu, buộc PVN phải quyết định phương án chỉ định tổng thầu?” - chủ tọa truy tiếp.

“Trong suốt quá trình đó, các ban và đơn vị của tập đoàn đều báo cáo là không tìm được đối tác, nếu có tìm được thì cũng là đối tác trong nước” - ông Thăng đáp.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo và phần bào chữa của các LS.

PVN không xin giảm án cho ông Đinh La Thăng

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của PVN cho hay ngày 27-4-2018, PVN có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có HĐXX và TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét thành tích, đóng góp của một số bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN. Văn bản này chỉ đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bốn bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu mà không có tên ông Thăng.

“Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng cũng là một trong những lãnh đạo có đóng góp rất lớn đối với tập đoàn. Dưới góc độ của chúng tôi là nguyên đơn dân sự, đề nghị HĐXX căn cứ vào các quy định của pháp luật để có phán quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nhà nước cũng như các bị cáo” - ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm