Quốc hội thông qua nghị quyết về công tác tư pháp

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày báo cáo cho rằng nghị quyết không nên giao các chỉ tiêu cụ thể mà để các cơ quan tư pháp căn cứ vào tình hình thực tế chủ động tổ chức thực hiện. QH chỉ giám sát các cơ quan tư pháp thực hiện theo đúng quy định của các luật.

Chỉ tiêu tạo chuyển biến

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, các nghị quyết của QH về công tác tư pháp được ban hành từ năm 2012 đã quy định, giao nhiều chỉ tiêu công tác cụ thể đối với các cơ quan tư pháp.

Đây là căn cứ quan trọng để các bộ trưởng, trưởng ngành giao nhiệm vụ trong toàn ngành; để từng đơn vị, cán bộ thực thi nhiệm vụ phấn đấu đạt chỉ tiêu yêu cầu.

Đồng thời, đây là căn cứ để QH và cử tri giám sát, đánh giá kết quả công tác của các cơ quan tư pháp.

Mặt khác, thực tiễn thực hiện các nghị quyết của QH về công tác tư pháp cho thấy việc đặt ra các chỉ tiêu là cần thiết, qua đó đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hoạt động tư pháp so với các giai đoạn trước đây được QH và cử tri ghi nhận đánh giá cao.

“Vì vậy, kế thừa các nghị quyết hiện hành, đề nghị QH tiếp tục quy định các chỉ tiêu cụ thể đối với công tác tư pháp cho từng cơ quan trên cơ sở giữ các chỉ tiêu còn phù hợp, bổ sung mới và điều chỉnh một số chỉ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm trong tình hình mới bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi trong tổ chức thực hiện” - Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày.

Truy tố đúng trên 95%

Đối với ngành kiểm sát nhân dân, có ý kiến cho rằng dự thảo nghị quyết quy định không bỏ lọt tội phạm là quá khắt khe; đề nghị sửa thành “hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm”

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ QH viện dẫn các nghị quyết hiện hành của QH về công tác tư pháp, trong đó yêu cầu “không để xảy ra trường hợp làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.

“Đây là nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, là căn cứ quan trọng định hướng hoạt động của các cơ quan tư pháp, phấn đấu nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” - Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày và đề nghị giữ nguyên chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Đối với ý kiến cho rằng quy định bảo đảm tỉ lệ truy tố bị can đúng tội đạt trên 95% là không phù hợp, vì như vậy còn 5% được phép truy tố sai tội thì Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Các nghị quyết hiện hành đều quy định tỉ lệ VKSND truy tố đúng tội đạt trên 95%, dự thảo nghị quyết tiếp tục kế thừa chỉ tiêu này.

Mặt khác, thực tế cho thấy VKSND đã có nhiều giải pháp và chỉ tiêu này năm 2019 đạt 99,9%, phấn đấu đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến TAND phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh VKSND đã truy tố. Vì vậy, việc giữ nguyên chỉ tiêu này là hợp lý.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho hay: Có ý kiến đề nghị chỉnh lý, xem xét lại quy định của dự thảo nghị quyết về “bảo đảm tất cả các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn của VKSND phải đúng quy định của pháp luật” để phù hợp với thực tiễn; có ý kiến đề nghị quy định tỉ lệ này từ 96% đến 98%.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Trước yêu cầu của cải cách tư pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm phù hợp với các luật trong lĩnh vực tư pháp, việc quy định yêu cầu này đối với VKNSD là cần thiết. Ủy ban Thường vụ QH chỉ thay từ “tất cả” thành “các” như đề nghị của VKSND Tối cao ngày 28-10.

Ý kiến “không quy định tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp chiếm trên 60% tổng số kháng nghị phúc thẩm của VKS mà chỉ nên quy định chung là “nâng cao trách nhiệm kháng nghị phúc thẩm của VKS ngang cấp” được Ủy ban Thường vụ QH cho là hợp lý và không quy định trong nghị quyết.

Còn các tỉ lệ về kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND được tòa chấp nhận; tỉ lệ xử lý đơn thư tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của CQĐT VKSND Tối cao (trên 90%) Ủy ban Thường vụ QH đều giữ nguyên như dự thảo.

Chỉ tiêu ngành TAND là kế thừa thực tế

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, đối với ngành TAND, một số ý kiến đề nghị không bổ sung chỉ tiêu giải quyết án đối với ngành TAND, mà để chánh án TAND Tối cao căn cứ vào tình hình thực tế chủ động phân bổ chỉ tiêu cho từng đơn vị thực hiện.

Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Các nghị quyết hiện hành chưa quy định chỉ tiêu giải quyết án đối với ngành TAND; dự thảo nghị quyết đề xuất bổ sung mới chỉ tiêu này đối với ngành TAND.

Còn thực tế, mặc dù QH chưa giao chỉ tiêu giải quyết án đối với ngành TAND song hằng năm, chánh án TAND Tối cao đều phân bổ chỉ tiêu cụ thể giải quyết án cho từng đơn vị trong ngành và báo cáo cụ thể hằng năm trước QH tại kỳ họp cuối năm của QH về kết quả giải quyết, xét xử các loại án.

“Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kết quả công tác của ngành tòa án. Trên cơ sở rà soát kết quả giải quyết án hằng năm của ngành TAND, dự thảo nghị quyết trình xin ý kiến QH đề xuất bổ sung chỉ tiêu giải quyết án” - bà Lê Thị Nga trình bày.

Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể là: Xét xử án hình sự đạt trên 88%, án dân sự đạt trên 78%, án hành chính đạt trên 60%. Đây cũng là căn cứ đánh giá, giám sát hoạt động xét xử của tòa án.

Về các ý kiến đề nghị cân nhắc không giao chỉ tiêu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho ngành TAND thì Ủy ban Thường vụ QH cũng căn cứ vào thực tế về việc các nghị quyết hiện hành đều giao chỉ tiêu này là trên 60%. Những năm qua, TAND Tối cao đề ra nhiều giải pháp, tỉ lệ này được nâng qua các năm, từ 39,3% năm 2017 lên đến 51% năm 2019.

“Trước yêu cầu của cải cách tư pháp, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, việc dự thảo nghị quyết tiếp tục kế thừa chỉ tiêu nêu trên của các nghị quyết hiện hành là phù hợp. Do đó, đề nghị QH cho giữ chỉ tiêu này như quy định của dự thảo nghị quyết” -Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm