Quy định mới về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2020 quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6 tới.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự.

Việc cưỡng chế thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

(Ảnh minh họa)

Theo đó, pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành án.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản và tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.

Trường hợp pháp nhân thương mại đang phải chấp hành quyết định cưỡng chế thi hành án mà được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì pháp nhân thương mại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Biện pháp phong tỏa tài khoản có thể được áp dụng trong một số trường hợp.

Một là thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (trong trường hợp đình chỉ tất cả lĩnh vực).

Hai là thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả lĩnh vực); cấm huy động vốn.

Ba là thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.

Biện pháp kê biên tài sản được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự.

Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại có thể được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt, đình chỉ hoạt động có thời hạn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Nghị định quy định chỉ tạm giữ những tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử liên quan đến lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế thi hành án theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại được áp dụng trong trường hợp thi hành cưỡng chế chấp hành hình phạt, đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm