Quy định về công sản để tránh tùy tiện lấp sông, chặt cây

Theo Bộ Tư pháp, dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định ba hình thức sở hữu là sở hữu chung, sở hữu riêng và sở hữu toàn dân. Đa số ý kiến nhân dân không đồng tình, cho rằng chỉ nên quy định sở hữu chung và sở hữu riêng (sở hữu toàn dân để các luật chuyên ngành điều chỉnh).

Về vấn đề này, TS Lê Minh Hùng (Trường ĐH Luật TP.HCM) đề xuất chia chế độ sở hữu thành công hữu và tư hữu.

Công hữu là chế độ tài sản của quốc gia, chia làm hai loại là công sản công dụng và công sản tư dụng. Trong đó, công sản công dụng là tài sản phục vụ công ích như đường sá, cầu phà, bảo tàng, tượng đài, công viên... Dạng tài sản này không áp dụng địa dịch, không thời hiệu, không kê biên, có cơ chế quản lý chặt chẽ, có sự tham vấn ý kiến nhân dân khi đưa ra những quyết sách khi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Công sản tư dụng giao riêng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nghiệp vụ để khai thác tài sản. Dạng tài sản này được quản lý theo quy chế tài chính công, áp dụng địa dịch, chế độ quản lý bình đẳng và công bằng giống tài sản tư.

“Quy định chặt như vậy sẽ không còn câu chuyện tùy tiện lấp sông, chặt cây, đầu tư quá nhiều tiền để con cháu sau này phải gánh nợ” - TS Hùng nhấn mạnh. Đối với chế độ tư hữu, TS Hùng đề xuất chia thành sở hữu chung (nhiều chủ sở hữu) và sở hữu riêng (một chủ sở hữu).

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm