Rắc rối tờ giấy A4 ghi biên nhận giữ tiền giùm

Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa nguyên đơn là bà PTHV và bị đơn là bà NP đã sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Sơ thẩm, thắng kiện

Ngày 14-8-2020, bà V khởi kiện bà P đòi 350 triệu đồng và lãi chậm trả mà bà này đã vay ngày 25-1-2020 âm lịch (không lãi suất trong sáu tháng) để cho con gái chữa hiếm muộn.

Vì bà P không muốn chồng biết việc vay mượn nên đôi bên thỏa thuận ghi trong giấy biên nhận với nội dung là bà P giữ giùm bà V 350 triệu đồng. Giấy biên nhận do bà V soạn sẵn từ đêm trước, khi giao tiền thì đưa cho bà P ký nhận.

Hình minh họa

Bà P cho rằng bà V thuê căn nhà sát vách để bán cơm. Hai bên không vay mượn tiền. Bà không giữ 350 triệu đồng của bà V. Bà không biết chữ, chỉ biết ký tên, ghi rõ họ tên và không thừa nhận chữ ký bên giữ tiền là của mình.

Bà khai có thể trong khi nhờ bà V dẫn đi làm thủ tục cấp CCCD đã ký khống vào các tờ giấy A4 giao cho bà V giữ. Vì thế, bà V có thông tin CMND cũ của bà để ghi vào giấy. Cũng theo bà, việc thụ tinh nhân tạo của con gái bà diễn ra từ cuối tháng 1 đến tháng 4-2019, sau đó vì lý do sức khỏe không tiếp tục làm nên không cần phải vay tiền để làm việc này.

Xử sơ thẩm, TAND TP Tây Ninh xét chứng cứ kiện là bản chính. Theo giám định, chữ ký, chữ viết họ tên NP so với bốn mẫu là do cùng một người ký, viết ra, không xác định được viết trước hay viết sau so với toàn bộ nội dung biên nhận.

Bị đơn không đồng ý với các kết luận nêu trên nhưng không có căn cứ chứng minh. Từ đó, tòa xác định bà P đã ký tên xác nhận nội dung giấy biên nhận là có thật, buộc trả lại tiền giữ giùm cho bà V và 2 triệu đồng lãi chậm trả. Cả hai kháng cáo.

Phúc thẩm, thua kiện

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh đưa ra 10 lý do cho rằng kháng cáo của bà P có căn cứ.

Trong đó, giao dịch dân sự có hiệu lực khi các chủ thể tham gia hoàn toàn tự nguyện. Bà P không biết chữ và không thể biết được nội dung hợp đồng do bà V soạn sẵn. Do đó, nội dung hợp đồng hoàn toàn là ý chí của bà V không thể hiện được ý chí tự nguyện của bà P. Hợp đồng này vô hiệu. Cạnh đó, việc giao tiền có hay không, giao trước hay giao sau đều không có căn cứ xác định.

Đại diện phía bà V không chứng minh được tờ giấy A4 sử dụng ghi biên nhận có được ở đâu vì loại giấy A4 ngoài thị trường không bán lẻ. Thông thường, người dân viết đơn thường mua giấy có đường kẻ ngang hoặc sử dụng giấy tập học sinh để viết biên nhận giao dịch thông thường. Loại giấy A4 chỉ sử dụng trong việc in ấn, thường được sử dụng trong cơ quan, doanh nghiệp. Gia đình bà V không có người làm công chức nhà nước, lại viết biên nhận vào ban đêm thì không thể có giấy A4 để viết biên nhận.

Ngoài ra, có căn cứ cho thấy con gái bà P đã ngưng việc thụ tinh hiếm muộn. Nghiên cứu chi phí trong giai đoạn năm 2018-2019 dao động 14-20 triệu đồng. Việc mượn số tiền gấp hơn 10 lần để cho con gái chữa hiếm muộn là vô lý.

Đáng chú ý, bà P chấp nhận thanh lý hợp đồng thuê nhà cho bà V trước thời hạn, trả tiền cọc 14 triệu đồng và bồi thường thêm 14 triệu đồng. Việc này cho thấy bà P không có tiền để chữa hiếm muộn cho con và phải mượn là không có căn cứ.

Bà P cho bà V thuê nhà mỗi tháng 7 triệu đồng. Khi tất toán hợp đồng, bà V cũng không đòi lại số tiền đã gửi là sự giao dịch bất lợi cho bà V, cho thấy lời khai của bà V là vô lý.

Bà V thừa nhận chồng bà P không có ở nhà bà mới giao tiền. Hai bà chỉ làm một giấy biên nhận, bà V cất giữ. Không vì lý do gì bà V phải ghi giấy giữ tiền giùm mà không ghi là giấy vay tiền. Do đó, lời khai của bà V không logic…

Tại tòa, bà V xin vắng mặt, người đại diện tham gia đã không trả lời được các vấn đề HĐXX đưa ra để làm sáng tỏ vụ án nên hậu quả của việc không chứng minh được, bà V phải chịu.

Cấp sơ thẩm công nhận giấy biên nhận tiền giữa hai bên mà không có căn cứ về việc ký nhận lúc nào, đã giao, nhận tiền trên thực tế hay chưa, bà P có lý do để vay tiền bà V hay không là chưa thuyết phục, chưa đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ…

Không bàn đến 10 lập luận của HĐXX phúc thẩm có chuẩn và chính xác về lý lẽ cũng như pháp lý, nếu bản án này không bị kháng nghị mà bị sửa án hay hủy án thì nên nhân rộng. Bởi khi xét xử một bản án dân sự mà HĐXX đánh giá từng ngóc ngách của vấn đề để đưa ra phán quyết thể hiện được họ toàn tâm, toàn ý với một bản án.

HĐXX nhấn mạnh người đại diện không trả lời được các câu hỏi của tòa dẫn đến hậu quả bất lợi của nguyên đơn. Điều này đúng theo quy định của luật nếu đương sự ủy quyền toàn bộ không phải chỉ một phần.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm