Rắc rối vụ án cầm hay bán ô tô Everest

Sáng 22-5, TAND quận 2, TP.HCM tiếp tục đưa vụ án Nguyễn Ngọc Phương Linh bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm lần 2 sau khi án sơ thẩm lần 1 bị hủy hồi tháng 8-2016.

HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào sáng mai, 24-5.

Bị cáo đã bị tạm giam 3,5 năm. Bị hại và nhân chứng tiếp tục vắng mặt dù được triệu tập hợp lệ.

Chiếm đoạt giá trị chiếc xe đã bán?

Tài sản mà Linh bị cáo buộc đã chiếm đoạt là 400 triệu đồng - trị giá của chiếc ô tô Everest mà Linh đã bán cho ông Huỳnh Văn Thọ. Chiếc xe này do em trai của Linh, đã chết vào tháng 11-2013, mua giá rẻ. Giấy tờ đều do Linh đứng tên, xe do Linh sử dụng.
Theo hồ sơ, giấy bán xe lập ngày 4-4-2013. Linh nhận đủ tiền, giao xe cho ông Thọ và đưa giấy tờ cho ông Thọ. Đến tháng 10-2013, ông Thọ gọi hẹn Linh ra công chứng để sang tên xe nhưng không được. Ông Thọ đem xe đi làm thủ tục kiểm định thì mới hay các giấy tờ Linh đưa là giả.
Xác minh biết chiếc xe đã bị mất trộm tại tỉnh Đắk Nông nên Công an quận 2 bàn giao chiếc xe để công an tỉnh này xử lý. 

Theo cáo trạng thì do không đăng kiểm xe được nên em của Linh bàn với Linh làm giấy tờ và biển số xe giả để sử dụng. Linh đồng ý và đưa CMND cho em.

Tại các phiên tòa, Linh khẳng định không biết giấy tờ xe là giả. Tháng 4-2013, do cần tiền nên Linh cầm xe cho ông Thọ, lãi suất 5%/tháng. “Bị cáo chỉ nhận được 380 triệu đồng do ông Thọ giữ lại tiền lãi 20 triệu đồng. Ông Thọ đưa bị cáo tờ giấy trắng, chưa ghi nội dung vay tiền, kêu ký trước, sau này mới biết là ghi nội dung bán xe. Vì nể nang, bị cáo mới ký chứ thực ra không bán xe. Ông Thọ cho ông Lê Quang Minh 4 triệu đồng công môi giới. Số điện thoại mà ông Thọ ghi trong giấy mua bán xe là năm tháng sau bị cáo mới kích hoạt sử dụng và là thuê bao trả sau".
Nhân chứng Minh cũng xác nhận chuyện Linh cầm xe vay tiền và ông được cho tiền giới thiệu. Ông Thọ thì khẳng định việc mua bán xe, giao tiền tại ngân hàng ngay sau khi viết giấy. Ông không cho ông Minh tiền...

Nguyễn Ngọc Phương Linh tại phiên tòa hồi tháng 1-2018. Phiên tòa phải hoãn do vắng mặt bị hại và nhân chứng.

Tháng 4-2016, TAND quận 2 đã kết tội Linh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mức án tổng cộng là bảy năm sáu tháng tù, buộc trả cho ông Thọ 400 triệu đồng.

Bản án này sau đó đã bị TAND TP.HCM hủy vì sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và sai lầm trong việc áp dụng BLHS. Đồng thời cần giám định chữ viết trong nội dung giấy bán xe, về màu mực, thời gian viết…
Cáo trạng lần 2 xác định lại thời gian bán xe là ngày 4-5-2013. Lời tố cáo trước đây của ông Thọ có sự nhầm lẫn về ngày tháng do ghi theo ngày tháng trong giấy bán xe, mà ngày tháng trong giấy bán xe là do ông Thọ ghi nhầm thành 4-4-2013. Ông Thọ và Linh đều khai không nhớ ngày viết giấy nhưng cả hai đều xác định sau khi viết giấy thì ra ngay ngân hàng rút tiền, giao nhận tiền ngay. Còn số điện thoại trong giấy bán xe là do ông Thọ ghi thêm sau này ghi tố cáo Linh do Linh sử dụng nhiều số điện thoại mà ông không liên lạc được…
Nhân chứng nói gì?
Nhân chứng Lê Quang Minh tiếp tục vắng mặt tại tòa. Quá trình điều tra, ông Minh đã có bản tường trình và cam kết ngày 22-5-2015, đại ý là Linh mang xe đi cầm để vay tiền, có trả lãi hằng tháng, ông là người môi giới chuyện cầm xe này nên được ông Thọ - người nhận cầm xe - cho tiền.
Cụ thể, nhân chứng Minh trình bày trong đơn: "Khoảng tháng 4-2013, anh Linh nhờ giới thiệu người để vay tiền. Tôi giới thiệu Linh vay tiền ông Thọ. Thỏa thuận xong về việc vay tiền, Linh hẹn tôi dẫn đi gặp ông Thọ để cầm xe lấy 400.000 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng.
Sau khi vào nhà ông Thọ bàn bạc, cả hai thỏa thuận về việc vay tiền, thế chấp xe trong vòng một tháng. Hai bên không ghi giấy tờ, chỉ thỏa thuận miệng vì tôi đã quen ông Thọ hơn 20 năm nay. Sau đó chúng tôi cùng dẫn nhau ra ngân hàng. Ông Thọ rút tiền, giữ xe và giấy tờ xe. Ông Thọ đưa Linh 380 triệu đồng, giữ lại 20 triệu đồng tiền lãi. Ông Thọ cho tôi 4 triệu đồng tiền công giới thiệu.
Sau khi cầm xe một tháng thì Linh xin gia hạn vay thêm một tháng. Đóng được ba tháng tiếp theo thì Linh không đóng được lãi nữa. Ông Thọ gọi điện nhờ tôi nói cha Linh xuống đóng lãi hoặc chuộc xe, nếu không ông sẽ bán xe cho người khác. Cha của Linh đã gặp ông Thọ viết cam kết chuộc xe 460 triệu đồng. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên cha của Linh cũng không chuộc được xe.
Tôi được biết ông Thọ đã bán xe này cho một giáo viên trường dạy lái xe nhưng sau đó người này đã trả lại xe. Việc cầm xe giữa ông Thọ và Linh có rất nhiều người biết. Tôi sẽ cung cấp thông tin liên hệ của từng người sau…
Sau khi Linh bị tạm giam, công an mời tôi làm việc và đưa tôi xem giấy bán xe có chữ ký làm chứng của tôi. Tôi khẳng định không ký vào văn bản nào giữa ông Thọ và Linh".

Quan điểm luật sư của bị cáo

Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải thỏa mãn hai điều kiện là: Có hành vi gian dối và có hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản, cần làm rõ trong vụ án này là giao dịch giữa bị cáo và bị hại là mua bán hay cầm cố. Mặc dù lời khai của bị hại có chứng cứ kèm theo để chứng minh là giấy bán xe ngày 4-4-2013. Tuy nhiên, lời khai của bị hại có nhiều điểm bất hợp lý:

Thứ nhất, xe ô tô là một loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Như vậy về nguyên tắc, hai bên mua bán phải lập hợp đồng mua bán và được cơ quan có thẩm quyền chứng thực việc mua bán đó.

Theo lẽ thông thường thì bên mua xe sẽ luôn yêu cầu bên bán lập hợp đồng mua bán tại phòng công chứng trước khi thanh toán tiền mua xe và giao nhận xe. Trừ khi giữa hai bên có sự quen biết với nhau và tin tưởng lẫn nhau thì có thể thực hiện việc lập hợp đồng mua bán sau khi thanh toán tiền mua xe. Trong khi đó, giữa bị hại và bị cáo không có quan hệ trước đó thì việc bị hai không yêu cầu bị cáo lập hợp đồng mua bán xe trước khi thanh toán tiền là điều vô lý.

Thứ hai, cũng theo lẽ thông thường, nếu hai bên chưa lập thủ tục mua bán xe thì bên mua cũng sẽ giữ lại một số tiền để đảm bảo cho việc bên bán phải lập hợp đồng mua bán xe. Trong khi đó, bị hại lại thanh toán đủ tiền mua xe và thỏa thuận là bên bán phải ra công chứng ký hợp đồng mua bán khi bị hại có yêu cầu. Bị hại không thực hiện bất cứ biện pháp nào để đảm bảo rằng bị cáo sẽ ra ký hợp đồng mua bán.

Thứ ba, trong nội dung giấy bán xe có thể hiện số điện thoại của Linh. Trong quá trình điều tra đã chứng minh được số điện thoại này được Linh đăng ký sau ngày ghi trên giấy bán xe.

Ông Thọ thì cho rằng khi lập giấy bán xe thì ông không ghi số điện thoại của Linh, cho đến khi thực hiện thủ tục tố cáo thì ông Thọ mới ghi bổ sung số điện thoại. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục. Bởi lẽ dòng ghi số điện thoại có vị trí ở giữa dòng “địa chỉ” và “năm sinh". Giữa hàng trên và hàng dưới được ghi cách đều nhau về khoảng cách cũng như dấu hai chấm. Như vậy rõ ràng là giấy bán xe được lập sau ngày ông Thọ và Linh thực hiện giao dịch.

Thứ tư: Chiếc xe mà Linh giao cho bị hại được sản xuất vào năm 2008. Theo thông tin trên các trang chuyên về mua bán ô tô thì cho đến thời điểm cuối năm 2017 cũng không có chiếc xe Everest nào được sản xuất vào năm 2008 mà bán giá dưới 400 triệu đồng. Do đó vào thời điểm tháng 4-2013 thì không thể nào có một chiếc xe Everest lại được bán với giá 400 triệu đồng. Từ những chi tiết nêu trên cho thấy lời khai của bị cáo Linh cho rằng chỉ cầm cố xe ông Thọ để vay số tiền 400 triệu đồng là có căn cứ.

Về hành vi gian dối, căn cứ duy nhất để chứng minh bị cáo có hành vi gian dối hay không là giấy tờ của chiếc xe mà bị cáo đã giao cho bị hại.

Giấy tờ xe này là giấy tờ giả thì đã rõ. Tuy nhiên, cần phải xem xét ai là người làm giả, bị cáo có biết giấy tờ đó là giấy tờ giả hay không. Theo lời khai của bị cáo thì chiếc xe này có nguồn gốc do em của bị cáo mua nhưng để cho bị cáo đứng tên. Bị cáo chỉ đưa CMND để làm giấy tờ. Các thủ tục còn lại đều cho người em này thực hiện.

Có một điểm cần lưu ý là vào thời điểm năm 2011 thì thủ tục mua bán và đăng ký xe có thể thực hiện qua hai hình thức là: Lập hợp đồng mua bán tại phòng công chứng, hoặc lập giấy mua bán tại UBND. Trong trường hợp làm theo hình thức này thì bên mua không cần ký tên trên giấy bán xe mà chỉ cần bên bán lập giấy mua bán và ký xác nhận chữ ký trên giấy mua bán.

Do bị cáo Linh nghĩ rằng chiếc xe mà em mình mua rồi để cho mình đứng tên được thực hiện theo thủ tục lập giấy mua bán tại UBND nên mặc dù bị cáo không tham gia thực hiện thủ tục mua bán xe nhưng vẫn không thể biết được chiếc xe này không có giấy tờ hợp pháp.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm