Sao lại tạm đình chỉ 15 vụ án trong 14 ngày ?

Án tồn quá lớn, án tạm đình chỉ nhiều và kéo dài, việc đưa án ra xử lại thiếu sự thống nhất trong các tòa (có tòa ra văn bản, có tòa lặng lẽ xử); nhiều án hủy do lỗi chủ quan, án tuyên không rõ khó thi hành, sự phối hợp giữa tòa và các cơ quan liên quan ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và tiến độ xét xử… là những vấn đề được nêu ra trong ngày làm việc thứ ba kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 18 diễn ra sáng 30-7.

Một ngày tạm đình chỉ đến bảy vụ án!

Đại biểu (ĐB) Trần Trọng Dũng đặt câu hỏi: “Án tạm đình chỉ thường rơi vào những tháng cuối kỳ thi đua, cùng chung một lý do rất mù mờ là tạm đình chỉ vì “các trường hợp khác”. Đơn cử, trong 65 vụ án mà TAND quận Bình Tân tạm đình chỉ tính đến ngày 31-3 vừa qua thì có 58 vụ rơi vào tháng 8, tháng 9. Có thẩm phán một ngày tạm đình chỉ bảy vụ. Có phải do áp lực thi đua mà thẩm phán ồ ạt đình chỉ như vậy?”.

Bổ sung, ĐB Dương Văn Nhân hỏi thẳng thắn: “Có chỉ đạo nào của tòa cấp trên hay không mà cứ đến tháng 8, tháng 9 (thời điểm ngành tòa án tổng kết, thi đua - PV) thì án tạm đình chỉ rất nhiều?”.

Sở dĩ các ĐB đặt nghi vấn này là vì khi “chốt sổ” báo cáo, nếu thẩm phán nào còn tồn án (đã thụ lý mà chưa đưa ra giải quyết) thì có thể ảnh hưởng đến thành tích thi đua của thẩm phán ấy, thậm chí của tòa mà thẩm phán ấy công tác. Khi đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án, số vụ án này sẽ không tính vào án tồn.

Trả lời câu hỏi này, đại diện các tòa quận, huyện đều khẳng định không có sự chỉ đạo của tòa cấp trên đối với việc đình chỉ các vụ án dồn dập vào các tháng cuối kỳ thi đua để không ảnh hưởng thi đua như các ĐB đặt vấn đề.

Phó Chánh án TAND quận Bình Tân Lê Quang Phong thay mặt chánh án tòa này cho biết: “Do trùng hợp thôi, bởi đương sự nộp đơn khoảng đầu năm thì đến cuối kỳ thi đua là đến hạn tối đa phải giải quyết. Sau khi thụ lý vụ án khoảng từ bốn đến tám tháng mà chưa giải quyết xong, nếu có lý do thì sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Những trường hợp chúng tôi đã tạm đình chỉ đều đúng, có sự kiểm tra giám sát. Thực ra cũng có áp lực nhưng chúng tôi tạm đình chỉ đúng chứ không sai”.

Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương: “Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận việc tạm đình chỉ vì sợ ảnh hưởng thi đua”. Ảnh: HTD

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM nói khi đi giám sát, tiếp xúc người dân thì thấy rằng thực tế là có sự trùng hợp khi án bị tạm đình chỉ rơi nhiều vào các tháng 7,8,9 - thời điểm chuẩn bị kết thúc kỳ thi đua, khiến người dân dễ hiểu lầm.

Ông Mai Xuân Bình - Chánh án TAND quận 1 khẳng định: “Trước nay chưa hề nhận chỉ đạo nào của lãnh đạo tòa cấp trên về vấn đề tạm đình chỉ, nếu có thì đúng mới chấp hành, không đúng thì sẽ có kiến nghị nêu rõ lý do. Hơn nữa quyết định tạm đình chỉ cũng có thể bị kháng cáo, kháng nghị, nếu quyết định bị hủy thì cũng bị tính, ảnh hưởng việc thi đua và tái bổ nhiệm”.

ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng trả lời của phó chánh án TAND quận Bình Tân chưa làm ông hài lòng. ĐB Dũng nêu: “Trong ngày 29-8-2014, một thẩm phán ra bảy quyết định tạm đình chỉ. 14 ngày sau (ngày 12-9), cũng chính thẩm phán này lại tiếp tục ký quyết định tạm đình chỉ tám vụ. Tất cả đều chung một lý do tạm đình chỉ là theo khoản 5 Điều 189 BLTTDS (đình chỉ vì các trường hợp khác mà pháp luật có quy định). Xem kỹ lại, các vụ án này có thời gian thụ lý từ một đến bốn năm chứ không phải những vụ mới thụ lý từ đầu năm, để tám tháng sau trùng hợp rơi vào cuối kỳ thi đua mà tòa ra quyết định tạm đình chỉ như Phó Chánh án Lê Quang Phong nói. Các quyết định tạm đình chỉ ồ ạt như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân, đề nghị chánh án TAND TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra đến TAND quận Bình Tân để kiểm tra vấn đề này”.

Đáp lời ĐB Trần Trọng Dũng, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương đồng tình với trả lời của cấp dưới, rằng có sự trùng hợp bởi thời hạn giải quyết chỉ giới hạn 4-8 tháng. Đồng thời bà Hương cho biết đã kiểm tra TAND quận Bình Tân rồi, hiện đang chờ kết luận, nếu kết luận chưa rõ theo phản ánh của ĐB Dũng thì sẽ tái kiểm tra.

Một thẩm phán hai ngày xử 1,5 vụ án!

ĐB Cao Thanh Bình chất vấn việc án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan quá nhiều (án hủy của hai cấp tòa là 168 vụ, trong đó hủy do lỗi chủ quan 96 vụ, án sửa thì lỗi chủ quan là 127 vụ). Sáu tháng đầu năm nay, lượng án quá hạn, án tạm đình chỉ lại tăng hơn. Nguyên nhân của tình trạng án giải quyết tỉ lệ thấp, án quá hạn lớn là gì? Tương tự, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn lượng án mà một thẩm phán xử một tháng lên đến 14,7 vụ thì làm sao bảo đảm chất lượng xét xử.

Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: Tính bình quân, hai ngày một thẩm phán phải xử một vụ rưỡi. Sau đợt bổ sung thẩm phán tháng 4 vừa rồi thì số lượng án giảm còn hơn 12 vụ/tháng/thẩm phán, vẫn gấp hơn ba lần yêu cầu mà TAND Tối cao đặt ra. Nguyên nhân chủ quan của việc án tạm đình chỉ nhiều và kéo dài là: Án tạm đình chỉ là án phức tạp, pháp luật quy định chưa rõ, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Cũng có nguyên nhân đến từ con người như nhiều trường hợp thẩm phán ngại đưa ra xử vì sợ bị hủy, bị sửa, ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm. Thẩm phán thiếu trách nhiệm và trình độ hạn chế. Lãnh đạo tòa quận, huyện chưa quyết liệt đưa ra chế tài nghiêm khắc để xử lý thẩm phán có sai sót hay để án quá hạn…

Về khách quan, bà Hương cho rằng tháng 10 hằng năm hầu như tòa không xử mà dành thời gian để tổng kết, rồi đến tháng tết nhiều đương sự bị mời lên thì phàn nàn tòa, ngoài ra nhiều thẩm phán có tâm lý muốn nghỉ ngơi… Như vậy coi như mất ba tháng hầu như không giải quyết được gì nhiều. Bà Hương cho biết cũng có nguyên nhân từ thiếu nhân lực (như hơn 80 thẩm phán hết nhiệm kỳ đến tháng 4 vừa rồi mới được tái bổ nhiệm). Cho đến tháng 4 vừa qua, ngành tòa án TP còn thiếu khoảng 200 thẩm phán, trong khi lượng việc lại gia tăng, trong đó có việc ra quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện.

“Chúng tôi sẽ quyết liệt đôn đốc, nhắc nhở các trường hợp án quá hạn do lỗi chủ quan và án tạm đình chỉ có sự vi phạm. Từng thẩm phán phải báo cáo danh mục án mà mình đang phụ trách, những vướng mắc đang gặp để lãnh đạo xử lý hoặc xin ý kiến tòa cấp trên. Từ nay đến cuối năm tòa áp dụng xong việc quản lý án của các thẩm phán bằng công nghệ thông tin, khi đó chỉ cần gõ tên thẩm phán là hiện ra tình trạng giải quyết án của họ” - bà Hương đưa ra giải pháp.

ĐB Nguyễn Thanh Chín chất vấn: Có bao nhiêu vụ án hành chính mà nguyên đơn - là người dân thắng kiện. Trong những vụ án mà dân thắng kiện thì thi hành được bao nhiêu. Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương hẹn sẽ thống kê lại và trả lời bằng văn bản cho ĐB. Ông Chín cho rằng câu trả lời của bà Hương chứng tỏ quyền ĐB của ông chưa được tôn trọng, lẽ ra phải có một con số nào đó chứ. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm mong ĐB chia sẻ vì chánh án không tập trung cho phần nội dung án hành chính nên không chuẩn bị được nội dung này.

ĐB Trần Trọng Dũng: “Khi được chất vấn về vấn đề án tạm đình chỉ quá nhiều vào tháng 8, tháng 9, chánh án TAND quận Bình Tân Nguyễn Văn Thuận trả lời trước đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM là có lẽ do áp lực tới ngày 30-9 là tổng kết thi đua năm của ngành tòa án”. Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương: “Chúng tôi không có chỉ đạo tạm đình chỉ. Nếu chánh án TAND quận Bình Tân nói sợ ảnh hưởng thi đua thì chúng tôi sẽ làm việc lại với chánh án này và giám sát chặt chẽ”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.