Tắc tị việc thi hành án vụ Huyền Như

Ngày 14-12, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác THADS năm 2017. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác THA được nêu ra bên cạnh những nỗ lực, phấn đấu của ngành THADS TP.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phượng, Phó phòng Nghiệp vụ 2 Cục THADS TP, cho biết hiện phòng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành các vụ án lớn, án trọng điểm. Chức năng của phòng Nghiệp vụ 2 là thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự. Có những vụ án hình sự lớn như vụ Epco Minh Phụng, vụ án Ngân hàng TMCP Việt Hoa, vụ Ngọc Thảo, vụ Trần Văn Giao, vụ Nguyễn Gia Thiều… đến nay phòng Nghiệp vụ 2 vẫn đang thụ lý THA phần dân sự (có vụ kéo dài trên dưới 15 năm mà vẫn chưa xong - PV).

Hiện nay, phòng Nghiệp vụ 2 đang thụ lý thi hành thêm nhiều vụ án lớn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ Công ty Cho thuê tài chính II, vụ Dương Thanh Cường… Đây là những vụ án lớn, phức tạp, số tiền phải thu cho ngân sách nhà nước và thu bồi thường cho các tổ chức, cá nhân rất lớn (lên đến hàng ngàn tỉ đồng). Tuy nhiên, người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không có tài sản gì để THA hoặc có tài sản kê biên để đảm bảo THA có giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải THA.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành, trong năm 2016, Cục THADS TP.HCM không có trường hợp nào bị kỷ luật. Ảnh: N.NGA

Chỉ tính riêng vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, ước tính tổng giá trị tiền, tài sản án tuyên duy trì kê biên, tạm giữ để đảm bảo THA cho các bị cáo trong vụ án này khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay do một phần bản án bị tuyên hủy, đang được CQĐT điều tra lại nên khi chuyển giao bản án cho Cục, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) không gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng, tài liệu liên quan đến tài sản kê biên, tạm giữ mà toàn bộ hồ sơ vụ án đã được tòa chuyển cho CQĐT của Bộ Công an.

Mặc dù trong thời gian qua Cục THADS TP đã có nhiều văn bản yêu cầu nhưng CQĐT vẫn chưa chuyển giao bản sao biên bản kê biên và bản chính giấy tờ nhà đất… để đảm bảo THA. Do đó, Cục THADS TP chưa thể xử lý các khoản tiền, tài sản mà tòa tuyên tạm giữ, duy trì kê biên để đảm bảo THA vụ này.

Bên cạnh những khó khăn trên, bà Phượng còn cho rằng có nhiều bản án tòa tuyên không rõ, có sai sót nên không thi hành được. Ví như sai địa chỉ, sai tên của đương sự, tuyên không khớp về số hiệu, chủng loại, đặc điểm của tang vật hoặc chứng từ không khớp nên không xử lý được tang vật, không tuyên cơ quan nào tạm giữ tang vật…

Số việc tăng nhưng khiếu nại, tố cáo giảm

Theo báo cáo của Cục THADS TP.HCM, trong năm 2016, tổng số việc THADS ngành THADS TP thụ lý hơn 97.000 việc, tăng hơn 7.300 việc (tương đương hơn 8%) so với năm 2015. Trong số gần 80.000 việc có điều kiện giải quyết, ngành THADS TP đã giải quyết xong gần 61.000 việc, đạt tỉ lệ hơn 76% (với tổng số tiền giải quyết xong hơn 10.123 tỉ đồng).

Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, nhấn mạnh trong tình hình xử lý kỷ luật, xử lý hình sự cán bộ THA trên toàn quốc có xu hướng tăng nhưng năm 2016 Cục THADS TP.HCM không có trường hợp nào bị kỷ luật. Ông Thành biểu dương điều này và nói Cục THADS TP cũng là đơn vị được xếp hạng A từ năm 2013 đến nay. “Cục phải luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác THA, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo kéo dài trong công tác THA” - Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm