Tai nạn cầu Ghềnh: VKS chỉ bồi thường oan 313 triệu

Sáng nay (25-5), TAND quận 9, TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm vụ ông Nguyễn Xuân Phú kiện VKSND TP Biên Hòa, Đồng Nai vì đã truy tố và bắt giam oan ông hơn chín tháng.
Theo đơn khởi kiện, tối 6-2-2011, ông Nguyễn Văn Túy lái tàu SE2 từ TP.HCM - Bình Thuận. Khi đến gần cầu Ghềnh (Đồng Nai), thấy đèn tín hiệu cho phép nên ông cho tàu chạy qua. Tuy nhiên, khi tàu vào đến cầu thì ông phát hiện ô tô kẹt trong cầu nên hãm phanh thường nhưng không kịp, khiến hai người chết, 22 người bị thương.

 Tai nạn cầu Ghềnh: VKS chỉ bồi thường oan 313 triệu ảnh 1
Sau hơn chín tháng bị giam và bị khởi tố hơn năm năm, ông Nguyễn Xuân Phú yêu cầu bồi thường hơn 1,7 tỉ đồng. Ảnh: NGÂN NGA

Ông Túy và phụ tàu Nguyễn Xuân Phú cùng bốn nhân viên gác chắn, một nhân viên thông tin tín hiệu, một tài xế taxi bị bắt để điều tra. Trong đó, ông Túy và phụ tàu bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Sau chín tháng bị tạm giam, ông Túy và ông Phú được tại ngoại.

Năm 2015, VKSND TP Biên Hòa miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Túy và ông Phú do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội.
Sau nhiều lần kêu oan, năm 2016, VKSND TP Biên Hòa mới ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Túy và ông Phú với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.
Tháng 9-2016, TAND thị xã Thuận An (Bình Dương) đã tuyên buộc VKSND TP Biên Hòa bồi thường cho ông Túy 274 triệu đồng. Ông Túy kháng cáo đòi tăng mức bồi thường, tháng 2-2017, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã tăng mức bồi thường lên 322 triệu đồng (tăng 48 triệu đồng so với bản án sơ thẩm).
Còn ông Phú thì kiện tại TAND quận 9, TP.HCM để yêu cầu VKSND TP Biên Hòa, Đồng Nai bồi thường. Tại tòa, ông Phú đòi bồi thường hơn 1,7 tỉ đồng (tổn thất tinh thần, mất thu nhập hơn năm năm…) đồng thời VKSND TP Biên Hòa phải xin lỗi tại địa phương và đăng báo công khai xin lỗi.
Tuy nhiên, phía VKSND TP Biên Hòa chỉ chấp nhận phần yêu cầu xin lỗi và chỉ đồng ý bồi thường 313 triệu đồng.
Sau khi vào nghị án, tòa ra thông báo sẽ tuyên án vào sáng 31-5 để ông Phú cung cấp thêm chứng cứ về mức yêu cầu bồi thường.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Phú nói: “Trước khi tôi bị bắt thu nhập bình quân mỗi tháng gần 15 triệu đồng. Sau khi được cho tại ngoại, cơ quan không bố trí công việc cho tôi làm mà chỉ trợ cấp hơn 50 triệu đồng trong vòng hơn hai năm. Mãi đến tháng 7-2013, cơ quan mới nhận tôi vào làm việc với công việc không liên quan tới chạy tàu, vì thế thu nhập bị giảm tới 2/3 so với trước khi bị bắt. Giờ tôi chỉ mong VKSND TP Biên Hòa sớm công khai xin lỗi để phục hồi danh dự cho tôi và gia đình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm