Thẩm phán từ chối xử vụ án có người thân, quen?

TAND Tối cao vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp thẩm phán. Các thế hệ thẩm phán TAND, tòa án quân sự, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện bộ, ngành có liên quan đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo. Trên cơ sở các ý kiến này, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học đã tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo lần ba bộ quy tắc.

17 điều về ứng xử và đạo đức thẩm phán

Dự thảo bộ quy tắc ứng xử, đạo đức thẩm phán có lời nói đầu, ba chương, 17 điều; quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; yêu cầu chung; yêu cầu đối với thẩm phán; những chuẩn mực đạo đức của thẩm phán (tính độc lập; sự vô tư khách quan; sự liêm chính; công bằng bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần).

Theo đó, thẩm phán phải độc lập trong mối quan hệ tổ chức hành chính của tòa án; độc lập với áp lực xã hội, kinh tế; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác, với đồng nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đưa ra quyết định giải quyết vụ việc.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết sự việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; không bị tác động hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp, ở bất cứ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì. Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan...

Thẩm phán sẽ phải tuân theo 17 điều về ứng xử và đạo đức. Ảnh minh họa: NGÂN NGA

Thẩm phán phải từ chối tham gia tố tụng khi nhận thấy mình có khả năng sẽ giải quyết vụ việc một cách không vô tư, khách quan theo đánh giá chủ quan hoặc theo đánh giá của một người bình thường. Thẩm phán phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình để tránh trường hợp không được phân công giải quyết vụ việc do không đủ điều kiện về sự vô tư, khách quan.

Thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật nhưng không được tham gia các hoạt động có thể ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức của thẩm phán…

Theo dự thảo, việc ban hành bộ quy tắc này nhằm thể hiện các giá trị đạo đức cơ bản là nền tảng của hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử, nguyên tắc ứng xử của thẩm phán.

Làm rõ khái niệm để tránh tùy nghi

Theo luật sư (LS) Bùi Thành Luật (Đoàn LS TP.HCM), việc quy định thẩm phán không được phát biểu hay bình luận trong các quy định trên là rất hay. Tuy nhiên, tố tụng Việt Nam là tố tụng xét hỏi pha trộn tranh tụng và LS tham gia vụ việc còn hạn chế nên thẩm phán sẽ dễ bị lỗi phát biểu. Bởi lẽ tại phiên tòa, thẩm phán còn có trách nhiệm giáo dục bị cáo nên khi nói có thể rơi vào tình huống làm xấu đi tình trạng của bị cáo, như vậy vi phạm quy tắc nghề nghiệp.

LS Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn LS TP.HCM) bổ sung quy định cho phép sau phiên tòa, thẩm phán được họp báo, trả lời các thắc mắc của dư luận. “Việc này cũng giống như việc công khai bản án trên mạng thôi. Quá trình phiên tòa diễn ra, thẩm phán chỉ căn cứ quy định pháp luật để giải quyết vụ án” - LS Hoàng nói.

Về quy định thẩm phán phải từ chối khi cho rằng xét xử sẽ không vô tư, khách quan, LS Bùi Thành Luật cho rằng đây là quy phạm bắt buộc nên nó mâu thuẫn với cụm từ “theo đánh giá chủ quan”. Vì quyền đánh giá chủ quan là của chính thẩm phán nên không ai cầm dao tay mặt chém tay trái cả. Theo LS Luật, cần sửa quy định thành “thẩm phán có quyền từ chối” sẽ hợp lý hơn.

LS Hoàng thì cho rằng thẩm phán cũng như người khác đều có những mối quan hệ xã hội đan xen dày đặc. Do đó phải làm rõ thế nào là nhận thấy mình không vô tư, không khách quan, tránh trường hợp thẩm phán sợ án khó rồi vin vào đây để xin từ chối thụ lý. Nếu không cụ thể mà chỉ quy định “có thể” không khách quan, không vô tư thì dễ đánh giá cảm tính và dễ bị hủy án khi có khiếu nại.

Chẳng hạn quy tắc phải ghi rõ thẩm phán là người thân trong dòng họ ba đời của bị cáo, bị hại, đương sự hay có quan hệ tình cảm; hoặc gia đình bị cáo, bị hại có thù oán, ân tình gì với thẩm phán. Hoặc trường hợp người thân gia đình bên vợ, bên chồng của thẩm phán có tham gia tố tụng vụ án mà thẩm phán đang giải quyết.

LS Hoàng dẫn chứng: “Tôi biết có thẩm phán từng từ chối xét xử một vụ án hình sự vì con và chị của bị hại là bạn thân của thẩm phán. Trước đây có vụ thẩm phán là người yêu cũ của bị hại nhưng không từ chối xét xử và được xác định là làm đúng…”.

Theo LS Hoàng, riêng cụm từ “theo đánh giá của một người bình thường” thì cũng phải dựa vào quy định tố tụng để đưa ra căn cứ chứng minh, cho rằng thẩm phán thân thiết với người tham gia tố tụng, có thể không vô tư, không khách quan trong giải quyết án. Tuy nhiên, LS Hoàng cho rằng nên bỏ cụm từ này vì khó có thể hiểu cho chính xác được.

Quy tắc ứng xử của thẩm phán

Ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ứng xử tại cơ quan; ứng xử với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử tại nơi cư trú; ứng xử tại gia đình; ứng xử tại nơi công cộng; ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử. Theo đó, thẩm phán phát biểu quan điểm của mình thông qua bản án, quyết định. Khi chưa ban hành bản án, quyết định, thẩm phán không được phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.

Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định. Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật.

(Trích dự thảo lần 3 Bộ quy tắc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm