Thẩm phán và cậu sinh viên nghèo

Đứng trước vành móng ngựa, PQB - sinh viên năm cuối một trường đại học ở TP.HCM co ro thừa nhận hành vi trộm cắp xe máy của mình. Trên bục xét xử, HĐXX ngồi nghe từng lời B. kể lại về hoàn cảnh và nguyên nhân đã dẫn đến việc B. phạm tội.

“Mồ côi má, lót lá mà nằm”

B. quê ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), mồ côi mẹ từ nhỏ, cha đi lấy vợ khác. mẹ ghẻ con chồng không hợp, B. về sống với bà nội. Cuộc sống vất vả nhưng hai bà cháu có nhau. Tốt nghiệp cấp 3, B. thi đậu vào một trường đại học tư và lên TP.HCM trọ học ở quận 11.

Thời gian đầu, người cha còn giấu giếm vợ gửi tiền cho B. học hành. Nhưng chỉ vừa học hết năm đầu thì B. đã phải tự lo thân bởi người cha không dám gửi tiền nữa, còn B. cũng tự ái trước những lời chì chiết của mẹ ghẻ. B. bươn chải làm thuê nhiều nghề nhưng vẫn thiếu trước hụt sau vì học phí khá cao. Lo đi làm, không có thời gian ôn bài thi, B. bị trượt vài môn.

Rồi gần đến ngày thi tốt nghiệp. B. phải đóng tiền để thi hết các môn nợ mới đủ điều kiện thi tốt nghiệp mà tiền không có. Túng quá hóa liều, chiều 26-1-2016, tại nơi ở trọ, B. thấy chiếc xe Yamaha Mio của chị P. (người thuê cùng nhà, khác tầng) để không khóa cổ, không có người trông coi nên đã nảy lòng tham. B. mang chiếc xe đi nơi khác gửi định đem bán lấy tiền. Không có giấy tờ, bán xe không được, B. mang xe về quê đưa cho người dì sử dụng.

Túng vẫn hoàn túng, tối 15-3, đi làm về nhà trọ, B. lại nhặt được chùm chìa khóa xe máy của chị P. ở dưới chân cầu thang. B. mở khóa xe, thấy bên trong cốp có một bóp màu đen, giấy tờ và 2 USD cùng 200.000 đồng. B. liền mang xe đi gửi nơi khác.

Ba ngày sau, B. mang xe cầm cố ở một cửa hiệu cầm đồ trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình) được 7 triệu đồng. Đến ngày 7-4, B. bị cơ quan công an mời lên làm việc, kiểm tra trong bóp có giấy tờ, biên nhận cầm cố chiếc xe của chị P. B. cúi đầu nhận tội.

Tấm lòng của hai người dưng

Ra tòa, người bị hại đã lấy lại được tài sản, đồng thời cảm thông hoàn cảnh của B. nên không yêu cầu bồi thường gì. Phía dưới phòng xử không có một người thân nào của B. Chỉ đến khi phiên tòa gần kết thúc mới có một cô bé rụt rè giơ tay xin được nói.

HĐXX cho phép cô nói. Cô cho biết mình là bạn học cùng lớp, cùng nhóm học tập với B. Với cảm nhận của bạn bè, cô biết B. là người hiền lành, thật thà. Khi kết bạn, cô mới thấu hiểu hoàn cảnh của B. Cô có giúp B. đôi lúc khó khăn nhưng vì cũng là sinh viên nên khả năng có hạn. Bẵng đi ít ngày không gặp, qua nhà trọ tìm bạn, cô mới biết B. đang bị vướng vào vòng lao lý. Rưng rưng nước mắt, cô mong HĐXX chiếu cố cái tình, cái lý để giúp B. có cơ hội hoàn thành việc học.

Những lời nói chân thành, những giọt nước mắt của cô bé đã khiến phòng xử trầm lắng hẳn. Rồi không khí im lặng bị phá vỡ khi một người đàn ông giơ tay xin HĐXX cho được trình bày ý kiến. Ông tự giới thiệu là giám đốc trung tâm tư vấn việc làm, nơi B. được nhà trường giới thiệu đến thực tập. Thấy B. siêng năng, hiền lành nên hết thời gian thực tập, ông vẫn tạo điều kiện cho B. tiếp tục làm việc. Ông nói ông thương cái tư chất chịu thương chịu khó của B. nên từng tìm xuống tận nhà cha B. để khuyên họ hãy chăm lo cho con cái.

“Sự túng quẫn nhất thời đã khiến cháu nó trót dại. Xin HĐXX hãy xem tôi như người lớn, người thân của cháu, cho tôi được bảo lãnh cháu ở ngoài để cháu có cơ hội hoàn thành con đường học tập, lối thoát nghèo duy nhất của một đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ từ nhỏ như cháu” - ông tha thiết đề nghị.

Sự cảm thông của HĐXX

Phiên tòa lẽ ra có thể khép lại một cách đơn giản, nhanh chóng. Nhưng HĐXX đã quyết định tạm dừng để người giám đốc trung tâm tư vấn việc làm nộp một số giấy tờ nhằm xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ cho B. Rời tòa, vị giám đốc trung tâm hối hả đi làm các giấy tờ, thủ tục để nộp cho HĐXX và hồi hộp chờ phán quyết của HĐXX dành cho B.

Cuối cùng là một kết thúc có hậu, khi HĐXX chỉ tuyên phạt B. chín tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản. Đọc bản án xong, vị chủ tọa phiên tòa mỉm cười đôn hậu.

“Khi nghiên cứu hồ sơ, rồi theo diễn biến của phiên tòa, HĐXX đã băn khoăn nhiều về hoàn cảnh của cháu. Với hình phạt và mức án như trên, chúng tôi muốn cho cháu một cơ hội để tiếp tục việc học hành. Chúng tôi tin rằng mai này B. sẽ nên người khi xung quanh cháu vẫn có những người dưng tốt bụng như vậy” - vị thẩm phán chủ tọa tâm sự sau khi phiên tòa kết thúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm