Thảm sát Bình Phước: Trách nhiệm hình sự nghi can thứ 3

Trên số báo trước, chúng tôi đã thông tin Công an tỉnh Bình Phước xác nhận đã khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng đối với Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) để điều tra về tội giết người, cướp tài sản. Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước, qua lời khai, bước đầu xác định Thoại và Dương đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó.

“Đêm 5-7, Dương đã chở Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ và gọi điện thoại cho cháu Dư Minh Vỹ ra mở cửa nhưng có thể lúc đó cháu Vỹ ngủ say nên không nghe máy. Đợi không được, Dương và Thoại quay trở về TP.HCM. Đến ngày 6-7, Dương tiếp tục rủ Thoại nhưng Thoại không đi nữa. Sau đó, Dương quay ra rủ Tiến và ngày 7-7, Dương cùng Tiến đã gây ra vụ thảm sát. Việc Thoại không gây án đêm 5-7 vì lý do khách quan là cháu Vỹ không mở cửa” - vị lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước thông tin. 
Nhiều bạn đọc thắc mắc, theo điều 19 BLHS thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nghi can Thoại có được xem là  tự ý nửa chừng chấm dứt nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Chúng tôi xin nêu quan điểm của các chuyên gia pháp luật:
Thảm sát Bình Phước: Trách nhiệm hình sự nghi can thứ 3 ảnh 1
 
Ông Phạm Công Hùng, Nguyên thẩm phán Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM:
Không thể vô can

Không thể miễn trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị can Thoại với lý do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản (Điều 19, BLHS).  Còn ở đây bản thân Thoại đã không thực hiện mà bỏ lửng. Cụ thể, nếu như đã lên kế hoạch, lần đầu Thoại đã đi mà không thực hiện được, lần 2 Thoại không muốn làm nữa thì phải cản Dương thủ ác vì đó là tội ác, nguy hiểm. Khi không cản được thì phải tố cáo công an để ngăn chặn. Thoại chỉ vô can khi từ bỏ kế hoạch đó, đồng thời ra sức ngăn cản và báo công an kịp thời không để kế hoạch thủ ác trên thành hiện thực.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng cần xác định kế hoạch giữa Thoại, Dương là như thế nào, giới hạn, phạm vi lập kế hoạch từ đó mới có thể định tội danh của bị can thứ ba này. Có thể ban đầu đôi bên chỉ lập kế hoạch cướp đơn thuần nhưng sau đó, Dương và Tiến thực hiện vượt quá kế hoạch đã bàn thì Thoại có khả năng không chịu trách nhiệm tội giết người. Nhưng chỉ cần trong kế hoạch đó có cả việc bàn nếu nạn nhân chống thì sẽ giết chết hay vừa cướp vừa giết người để trả thù cho Dương thì Thoại cũng phải chịu trách nhiệm về cả hai tội cướp và giết với vai trò đồng phạm của hai bị can thực hiện.

Thảm sát Bình Phước: Trách nhiệm hình sự nghi can thứ 3 ảnh 2
 
TS Phan Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự (Đại học Luật TP.HCM):
Thoại chỉ được miễn TNHS nếu ngăn được Dương không gây tội ác
Hành vi của Thoại có được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên được miễn TNHS hay không?

Trước khi đi gây án, Thoại và Dương “đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó” và Thoại đã đi gây án với Dương vào ngày 5-7 nhưng không thực hiện được và ngày 6-7 Thoại từ chối đi gây án với Dương. Như vậy hành vi chuẩn bị phạm tội (giết người hoặc cướp tài sản hoặc cả hai) vào ngày 5-7 bị dừng lại do nguyên nhân khách quan là do cháu Vỹ không mở cửa chứ không phải là dừng lại cho nguyên nhân chủ quan nên hành vi của Thoại không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội do đó không được miễn TNHS theo qui định tại Điều 19 BLHS.

Vậy nếu Thoại và Dương “đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó” và giả sử sau đó Thoại suy nghĩ lại và ngay từ ngày 5-6 Thoại từ chối không đi gây án thì Thoại có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không. Trong trường hợp giả định này, nếu Thoại thực hiện một mình và tự mình không đi gây án nữa thì hành vi của Thoại được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn TNHS theo Điều 19 BLHS. Tuy nhiên, trường hợp này, do Thoại đồng phạm với Dương để gây án nên hành vi của Thoại chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu bên cạnh việc Thoại tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản; đồng thời còn phải ngăn chặn được Dương phạm tội. Cụ thể là Thoại phải thuyết phục, khuyên bảo được Dương dừng thực hiện tội phạm, hoặc báo cho các cơ quan chức năng, nạn nhân ngăn chặn được tội phạm do Dương sẽ thực hiện thì Thoại mới được hưởng qui định khoan hồng là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Còn nếu Thoại từ chối tham gia và cũng khuyên bảo, thuyết phục Dương dừng việc phạm tội nhưng Dương vẫn cứ thực hiện tội phạm thì Thoại cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Thảm sát Bình Phước: Trách nhiệm hình sự nghi can thứ 3 ảnh 3
 
TS, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM:
Cần làm rõ Thoại bàn với Dương đến nhà ông Mỹ để làm gì

Trước hết phải làm rõ nội dung bàn bạc của Dương và Thoại đến nhà bị hại để cướp tài sản hay là giết người và cướp tài sản. Nếu Dương và Thoại bàn bạc nhau để cùng thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản nhưng sau đó Thoại không thực hiện vì lý do khách quan (cháu Vỹ không nghe điện thoại) nghĩa là ý chí của Thoại vẫn là mong muốn thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này, Thoại có thể bị truy tố về tội “Giết người và cướp tài sản” theo quy định tại Điều 18 BLHS về phạm tội chưa đạt.

Tương tự trường hợp trên, nếu Thoại và Dương chỉ bàn bạc nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản và việc không thực hiện được tội phạm là vì lý do khách quan thì Thoại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 18 BLHS về phạm tội chưa đạt.

Thảm sát Bình Phước: Trách nhiệm hình sự nghi can thứ 3 ảnh 4
 
Luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn luật sư TP.HCM:

Như thế nào là phạm tội chưa đạt?

Theo như lực lượng công an đã xác định thì Thoại và Dương đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó. Một người đã cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt theo quy định tại Điều 18 BLHS.

Các dấu hiệu để xác định một người có hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt gồm:

• Người phạm tội cố ý thực hiện và đã bắt đầu thực hiện tội phạm (Thoại và Dương đã bàn bạc kế hoạch gây án, sau đó Thoại tự nguyện cùng Dương đến nhà ông Vỹ để gây án).

• Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng (Thoại chỉ mới đến được nhà ông Mỹ, chưa vào được trong nhà để thực hiện hành vi phạm tội).

• Người phạm tội không thực hiện được tội phạm vì nguyên nhân ngoài ý muốn (cháu Vỹ không mở cửa).

Do đây là trường hợp phạm tội chưa đạt nên để xác định Thoại phạm tội gì (giết người và cướp tài sản hay chỉ cướp tài sản), cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ sự cố ý, ý thức chủ quan của Thoại. Trường hợp này là cần làm rõ ý thức chủ quan của Thoại là đến nhà ông Mỹ có nhằm mục đích giết người hay không. Nếu quá trình điều tra cho thấy Thoại đến nhà ông Mỹ với mục đích chỉ nhằm hỗ trợ Dương khống chế nạn nhân rồi cướp tài sản và Thoại không được Dương cho biết về dự định sẽ giết gia đình ông Mỹ thì Thoại có thể chỉ bị xem xét truy cứu trách nhiệm về hành vi cướp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm