Thanh niên để ví, dép, xe trên cầu... sau đó về nhà có bị xử lý?

Như PLO đã đưa tin, sáng 23-1, người dân đi qua cầu Hiếu 2 (phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) phát hiện trên cầu có chiếc xe máy cùng đôi dép. Trên yên xe máy có chiếc ví đựng giấy chứng minh nhân dân và căn cước công dân, giấy phép lái xe của anh K.

Người dân nghi ngờ anh K để lại xe máy, đôi dép cùng chiếc ví rồi nhảy cầu nên đã báo cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn anh K.

Chiều 24-1, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết anh K. đóng cửa ngồi trong nhà, tinh thần hoảng loạn nên mọi người chưa gặp được để làm rõ anh này tạo hiện trường giả hay nhảy cầu và bơi được rồi đi về nhà.

Cảnh sát cứu nạn cứu hộ tìm kiếm anh K trên sông. 

Trước tình huống này, nhiều bạn đọc PLO đặt câu hỏi nam thanh niên có bị xử lý hay không khi lực lượng cứu hộ bỏ cả ngày tìm kiếm trong khi anh này lại đang ngồi ở nhà?

Trao đổi cùng PLO, TS Cao Vũ Minh, Giảng viên Khoa luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM cho rằng cần làm rõ mục đích K để lại các tài sản, giấy tờ tùy thân trên cầu như một hiện trường tự tử là gì.

Trường hợp K cố tình tạo hiện trường nhảy cầu tự tử giả để trêu đùa người thân, bạn bè… thì hành  vi này được xem là gây rối hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

“Lực lượng công an, cứu hộ tại địa phương giữ vị trí sẵn sàng ứng phó các trường hợp nguy cấp. Nếu nam thanh niên cố tình tạo hiện nhảy cầu giả dẫn đến cơ quan chức năng huy động lực lượng tìm kiếm, cứu hộ thì đây là hành vi gây rối” - TS Cao Vũ Minh phân tích.

Theo điểm d khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021, cá nhân hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng.

Cũng theo TS Cao Vũ Minh, trường hợp nam thanh niên thật sự có ý định tự tử nhưng sau đó đổi ý và bơi lại vào bờ thì khó xem xét xử lý.

Đồng thời, để xem xét xử lý, cần xác định K có đủ năng lực chịu trách nhiệm hành chính hay không. Tức, khi thực hiện hành vi vi phạm, K phải có nhận thức đầy đủ về việc làm của mình. Nếu việc vi phạm của K là do mắc bệnh về tâm thần dẫn đến không làm chủ được hành vi của bản thân thì không thể xử phạt K.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm