Thêm cấp xét xử, chỉ làm khổ dân

“Tôi nghĩ đây là bước thụt lùi của nhận thức, cổ súy cho mô hình có cấp xét xử thứ ba dù Hiến pháp quy định chỉ có hai cấp xét xử. Các mô hình tổ chức tòa án trên thế giới theo tôi biết cũng chưa nước nào có phiên tòa phúc thẩm lần 2” - TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét.

Sai nguyên tắc xét xử, vi hiến

Theo TS Tiến, về bản chất tòa án cấp sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiên và phải có nhiệm vụ xét xử chính xác, đúng đắn. Tòa án cấp phúc thẩm giống như một phương án phòng ngừa, là nơi để sửa chữa những sai sót (nếu có) của cấp sơ thẩm. Việc đặt ra thêm một phiên tòa phúc thẩm nữa (sau phiên tòa phúc thẩm lần đầu nếu có kháng cáo, kháng nghị), tức “phúc thẩm của phúc thẩm” là không hợp lý khi cùng TAND cấp cao lại xét xử bản án của nhau (chỉ thay HĐXX). “Thêm phiên tòa phúc thẩm lần 2, càng khiến việc giải quyết án trở nên phức tạp và phát sinh tiêu cực, chạy án” - TS Tiến nói.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng thẳng thắn nhận xét đây là một đề xuất “không giống ai” vì về mặt nguyên tắc, Hiến pháp đã quy định hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Theo mô hình tổ chức tòa án mới thì TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, vậy là ổn. Nếu cùng một cấp tòa mà xét xử phúc thẩm hai lần thì chẳng khác nào “đẻ” thêm một vòng tố tụng mới.

Phiên tòa phúc thẩm lần 2 chỉ làm tăng thêm sự phiền hà, tốn kém cho cả Nhà nước lẫn người dân? Ảnh minh họa: T.TÙNG

Thực tế thì nếu bản án, quyết định của cấp sơ, phúc thẩm có sai lầm nghiêm trọng hoặc phát hiện tình huống mới làm thay đổi bản chất vụ việc thì đã có các thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Hai thủ tục này đã đủ để giải quyết sai sót. Hơn nữa, việc một TAND cấp cao xử phúc thẩm lại bản án phúc thẩm của chính mình sẽ vi phạm nguyên tắc xét xử luật định. Chưa kể nó không phù hợp về mặt lý luận khi về nguyên tắc không có cấp xét xử thứ ba nhưng lại có hơn hai lần, một tòa có quyền mở phiên tòa để xét xử cùng một vụ án.

Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), đề xuất trên vô lý ở chỗ TAND cấp cao sẽ phủ nhận giá trị của bản án do chính mình ban hành. Theo luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, vậy tại sao còn phải xét xử lại? Nếu sai thì đã có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét. Còn nếu cho rằng đề xuất này nhằm nâng cao chất lượng xét xử thì ngay từ cấp sơ thẩm, tòa án đã có nhiệm vụ phải xử án sao cho chuẩn xác. “Nói tóm lại đây là một ý tưởng không khả thi vì sai nguyên tắc xét xử và vi hiến” - luật sư Thiện nói.

Phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực

Ở góc độ thực tiễn, TS Lê Nết (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) nói đề xuất về phiên tòa phúc thẩm lần 2 đi ngược lại sự tiến bộ của cải cách tư pháp. Trong án dân sự, tòa án cơ bản chỉ xem xét hai vấn đề là chứng cứ và cách áp dụng pháp luật, nếu có vi phạm thì tương ứng với nó có hai thủ tục đặc biệt (giám đốc thẩm, tái thẩm) để xem xét lại khi bản án có hiệu lực pháp luật. Về hình thức, phiên tòa phúc thẩm lần 2 làm cho quá trình tố tụng kéo dài không cần thiết. Về nội dung thì bản án phúc thẩm lần 2 cũng không có sức thuyết phục cao vì là do cùng một cấp tòa xét xử. Người dân cũng không được nhờ cậy gì khi chính những con người trong tòa án cấp đó xử lại vụ án của mình.

“Trong khi chúng ta đang bước đầu áp dụng án lệ vào xét xử thì phải tạo cơ chế cho tính ổn định của bản án chứ cấp phúc thẩm xử tới xử lui thì không rút được kinh nghiệm gì cho tòa án cấp dưới. Ở nhiều nước, tòa phúc thẩm thậm chí không xét xử lại nội dung của bản án sơ thẩm mà chỉ xem xét việc áp dụng pháp luật đã chuẩn xác hay chưa mà thôi” - TS Nết nói.

Một thẩm phán TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) băn khoăn: “Tôi không thể hình dung ra khi có phiên tòa phúc thẩm lần 2 thì người ta sẽ coi trọng phiên tòa phúc thẩm lần 1 như thế nào và số lượng án phải giải quyết sẽ tăng lên bao nhiêu?”.

Theo thẩm phán này, ban soạn thảo đề xuất chỉ cần có kháng cáo, kháng nghị là bản án phúc thẩm lần 1 sẽ bị xét xử phúc thẩm lần 2. Thực tế hầu như các đương sự đều kháng cáo khi thấy tòa xử bất lợi cho mình. Cộng với kháng nghị thì khả năng tất cả bản án phúc thẩm lần 1 sẽ bị xử phúc thẩm lần 2. Vô hình trung việc xét xử phúc thẩm lần 1 bị vô hiệu hóa và số lượng vụ án mà tòa phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm lần 2 sẽ rất lớn.

Về nội dung, với những vụ việc đơn giản, rõ ràng, chứng cứ đầy đủ thì không thể có hai cách áp dụng pháp luật. Như vậy, nếu phiên tòa phúc thẩm lần 1 đã xử hợp lý, chính xác rồi mà lại bị đem ra xử phúc thẩm lần 2 chỉ vì có kháng cáo, kháng nghị sẽ làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc của cả Nhà nước lẫn các đương sự (vì kết quả sẽ không thể khác, trừ khi người xét xử có tiêu cực).

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng thay vì kéo dài quy trình tố tụng bằng phiên tòa phúc thẩm lần 2 thì nên tăng cường bồi dưỡng cho thẩm phán và có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động xét xử của tòa án.

Nội dung đề xuất

Theo đề xuất của Ban soạn thảo BLTTDS sửa đổi, viện trưởng VKSND cấp cao và viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao để yêu cầu TAND cấp cao giải quyết theo thủ tục phúc thẩm lần 2. Lúc này bản án, quyết định phúc thẩm (lần 1) của TAND cấp cao sẽ tạm dừng thi hành cho đến khi có bản án, quyết định phúc thẩm lần 2.

HĐXX phúc thẩm lần 2 gồm ba thẩm phán là thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao. Thẩm phán đã tham gia xét xử phúc thẩm lần 1 thì không được tham gia HĐXX phúc thẩm lần 2 đối với cùng vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm lần 2 có hiệu lực thi hành và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm