Thừa phát lại: Hiệu quả rất cụ thể

Thảo luận tại hội trường về việc tổng kết triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) sáng 20-11, nhiều ĐBQH đã kiến nghị QH ra nghị quyết chấm dứt áp dụng thí điểm để triển khai rộng rãi.

“Nên ủng hộ”

“TPL là một dịch vụ công, dịch vụ này chúng ta có thể xã hội hóa được. Theo tinh thần tổ chức nhà nước hiện đại thì tất cả loại dịch vụ mà cảm thấy người dân tự làm được thì Nhà nước không nên làm…” - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ (An Giang) nói.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay ông tham gia đoàn khảo sát ở một số tỉnh như Tiền Giang, Bình Dương thì thấy các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án (THA), UBND địa phương đều rất ủng hộ chế định này.

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập cũng kiến nghị Quốc hội ủng hộ ra nghị quyết cho phép triển khai chính thức chế định TPL nhằm triển khai mạnh mẽ các chế định bổ trợ tư pháp, tạo thêm điều kiện bảo vệ người dân và thuận lợi hoạt động của cơ quan tài phán. Ông Lập cho rằng thực tế chất lượng hoạt động ở một số văn phòng TPL còn những sai sót, tuy nhiên những khuyết điểm đó hoàn toàn có thể khắc phục được.

“Từ khi thực hiện thí điểm TPL thì công tác giải quyết của tòa án có hiệu quả rõ rệt và hết sức cụ thể. Bản thân tôi trong nghề ở TP.HCM, tôi thấy rõ nhất ở hiệu quả mang lại trong quá trình giải quyết ở tòa án” - Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh bổ sung.

ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP.HCM cho hay việc thí điểm thừa phát lại mang lại những hiệu quả rất cụ thể. Ảnh: QH

Phải tính đến hiệu quả, chứ đâu chỉ tiền nong

Liên quan đến một nhiệm vụ của TPL là tống đạt giấy tờ, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Phạm Văn Hà cho hay trước khi có thí điểm, công việc tống đạt các giấy tờ của tòa án chủ yếu do văn thư gửi bưu điện về chính quyền. Đối với giấy tờ cần phải trao để lấy đó là căn cứ cho tòa án xét xử có mặt hay không có mặt thì bằng con đường bưu điện, chỉ có 10.000 đồng, còn thông thường không gửi bảo đảm thì 2.000 đồng.

Ông Hà cho rằng mức phí TPL 150.000 đồng là quá đắt và lo ngại hết thí điểm, Nhà nước không hỗ trợ ngân sách thì tòa lấy đâu ra tiền thuê TPL.

Không đồng tình, ông Huỳnh Ngọc Ánh bấm nút xin phát biểu lần thứ hai phản bác, theo các luật tố tụng hiện hành, việc tống đạt hợp lệ cho đương sự quy định rất chặt chẽ. Vì vậy, ngoài việc tống đạt bằng bưu điện, bằng việc thư ký trực tiếp đi thì cần có TPL. “Hiệu quả mang lại rất nhiều, gửi bưu điện, đương sự không đến tôi phải hoãn phiên tòa, một lần hoãn phiên tòa tốn bao nhiêu tiền, mà không phải chỉ hoãn một lần…” - ông Ánh nói.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng công tác tống đạt bằng bưu điện có nhiều bất cập và vô cảm. “Việc của người dân nước sôi lửa bỏng, anh phát đi một cái thư, vài ba tuần sau chạy lên hỏi thư không thấy trả lời, tôi gửi thêm một cái thư nữa, tống đạt làm ba tháng chưa xong… Nếu chúng ta theo đà đó thì hỏng việc và chừng nào án dân sự còn đình trệ thì nền kinh tế, hoạt động xã hội bị đình trệ và ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân...” - ông Nghĩa bức xúc.

Ông Nghĩa đề nghị xác định rõ và phân loại với tiêu chí xa hoặc thiếu người, việc gấp, việc khó thì tòa án thuê TPL tống đạt, còn những việc khác thì tòa cứ tống đạt bình thường.

Đồng tình với ông Nghĩa, ông Độ cho rằng việc tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án chỉ thông qua bưu điện là không ổn. “Phải tính đến vấn đề hiệu quả chứ không chỉ vấn đề tiền nong” - ông Độ kết luận.

Thừa phát lại cưỡng chế THA: Băn khoăn

Nhiệm vụ cưỡng chế THA của TPL là vấn đề khiến khá nhiều ĐBQH băn khoăn. Dù rất ủng hộ chế định TPL, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cũng cho rằng việc cưỡng chế không nên giao cho TPL. “Đây là xã hội hóa mà biện pháp cưỡng chế Nhà nước thì không nên giao cho cơ quan này” - ông Độ lý giải.

Theo ông Huỳnh Thành Lập, nếu văn phòng TPL (một chế định dưới hình thức công ty) huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người phải THA là không phù hợp. “Nếu cưỡng chế giao nhà, người bị cưỡng chế nhảy lầu, tự thiêu, ai chịu trách nhiệm? Trưởng ban chỉ đạo THA dân sự cấp huyện hay cục trưởng Cục THA dân sự hay trưởng văn phòng TPL?” - ông Lập đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ông Hiến lại đề nghị vẫn nên cho TPL thực hiện cưỡng chế với sự hỗ trợ của Nhà nước để tránh tình trạng quan liêu của bộ máy nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm