Thương mại và đầu tư phải hài hòa với khu vực

Ngày 9-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các thể chế pháp lý của Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Tác động đối với pháp luật đầu tư và thương mại Việt Nam”.
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, cho rằng việc tham gia các cộng đồng mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho quốc gia, doanh nghiệp, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập trong thực thi, thể chế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là trụ cột thúc đẩy tự do hóa thương mại, minh bạch trong các quy định hợp tác thương mại, đầu tư.

Có gần 200 chuyên gia pháp lý đến từ các nước tham dự hội thảo.

TS Trần Thăng Long, giảng viên khoa Luật quốc tế (ĐH Luật TP.HCM), cho biết cơ chế giải quyết tranh chấp của AEC chưa hiệu quả. Các quốc gia không mặn mà trong việc sử dụng cơ chế này bởi họ có thể linh hoạt lựa chọn nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp khác.
Ví dụ, các quốc gia thành viên cam kết xóa bỏ thuế quan đối với tất cả mặt hàng. Tuy nhiên, Malaysia không muốn giảm thuế cho xe hơi và phụ tùng xe hơi. Thái Lan không có cách nào ngăn cản Malaysia.
Chính vì vậy TS Long cho rằng ASEAN nói chung và AEC nói riêng sẽ gặp những khó khăn trong việc đảm bảo hiệu lực các quy định và cam kết trong ASEAN.
TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng khi gia nhập, hợp tác, Việt Nam tiếp cận được các chuẩn mực pháp lý chung mà nhiều nước ASEAN đang theo đuổi và cùng hướng tới. Điều này giúp Việt Nam thực hiện tốt và hài hòa pháp luật trong ASEAN.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường, cho rằng mía đường và gạo là hai trong các mặt hàng nhạy cảm nhất. “Chúng tôi rất quan tâm quy định của các nước về hai mặt hàng này. Nhưng có vẻ như chúng tôi không được quan tâm đúng mức. Chúng tôi đề nghị nên hội nhập theo lộ trình. Không xóa toàn bộ bảo hộ mà cần hạn ngạch nhập khẩu, vẫn có thuế nhập khẩu chứ không xóa bỏ hết. Cần có luật hoặc nghị định cho ngành mía đường. Như các nước khác, Thái Lan, Philippines đã có”.
Đáp lại kiến nghị này, TS Tú cho biết đây lần đầu nghe một hiệp hội phản ánh muốn có luật. Lúc Việt Nam hạ thuế với dầu ăn còn 0%, lấy ý kiến DN, không DN nào có ý kiến góp ý nhưng khi áp dụng, thấy dầu Malaysia nhập dồn dập về thì kêu cứu!
Ông cho rằng những năm 1970 đến 1990 rất thuận lợi cho ngành mía đường nhưng nếu bây giờ mà ra một nghị định bảo vệ ngành mía đường trong nước thì giới luật sư, DN sẽ “nhảy dựng” lên ngay!
Luật sư Raphael Tay, Công ty Chooi & Company, Chủ tịch phiên tòa giả định Lawasia, nêu ý kiến chính phủ cần hành động nhiều hơn để đảm bảo quá trình kinh doanh được bắt đầu rõ ràng, minh bạch và hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm