Tiếp tục đề nghị truy tố cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố các bị can trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty Bình Dương) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố 25 bị can (trước đó là 21) trong đó có ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương), Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh).
Cùng bị đề nghị truy tố còn có Trần Xuân Lâm (cựu chánh Thanh tra tỉnh), Võ Văn Lượng (cựu chánh Văn phòng UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (cựu trưởng phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, nguyên cục trưởng, cục phó Cục Thuế) và các đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (khung hình phạt đến 20 năm tù).

Bị can Trần Văn Nam. Ảnh tư liệu

Bốn bị can mới là Hồ Đắc Hiếu (Tổng giám đốc công ty CP tư vấn và thẩm định Đông Nam), Vũ Thị Lợi (cựu Phó trưởng phòng tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh), Nguyễn Kim Liên (cựu Chi cục trưởng chi cục Tài chính doanh nghiệp) và Hà Văn Thuận (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương).

CQĐT xác định có đủ cơ sở kết luận ông Minh và các đồng phạm đã thực hiện hành vi cố ý làm trái nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha sang Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương, con rể ông Minh thành lập, điều hành. Giá trị quyền sử dụng 43 ha đất tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một tại thời điểm chuyển nhượng là hơn 552 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển nhượng hơn 250 tỉ, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 302 tỉ đồng.
Các bị can Nam, Cành và Liêm cùng một số lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Bình Dương biết rõ Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha kể trên.
Cựu bí thư tỉnh Bình Dương Nam còn đồng ý cho Tổng công ty 3-2 được tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện để ông Minh và đồng phạm hoàn tất việc chuyển toàn bộ quyền quản lý của Nhà nước tại khu đất 43 ha sang tư nhân. Qua đó, Tỉnh ủy Bình Dương thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản khu đất. Sau đó, các bị can tiếp tục chỉ đạo và thực hiện và lập khống các văn bản để che giấu sai phạm.
Kết luận điều tra bổ sung cũng cho biết đối với sai phạm trong việc không xác định giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha vào giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty 3-2 khi tiến hành cổ phần hóa của bị can Minh và đồng phạm đã gây thiệt hại số tiền hơn 1.648 tỉ đồng...

Đồng thời, bị can Liêm, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa, mặc dù biết rõ khu đất 43 ha đã chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú và khu đất 145 ha đã được Tổng công ty 3-2 dùng góp vốn vào Công ty Tân Thành từ năm 2017; việc phân loại khu đất 145 ha vào diện "tài sản chờ thanh lý" không tính vào giá trị doanh nghiệp là trái quy định pháp luật nhưng ông Liêm vẫn ký quyết định xác định giá trị doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Về vai trò của bà Đặng Thị Kim Oanh - chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Kim Oanh (là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại 100% vốn góp trong Công ty Tân Phú để sở hữu dự án 43 ha), kết luận điều tra cho rằng bà Oanh không biết chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương về khu đất 43 ha, không liên quan và không biết hành vi của ông Minh về việc chuyển nhượng trái pháp luật khu đất này.
CQĐT cho rằng việc bà Kim Oanh chuyển tiền theo thỏa thuận, vay và cho vay đối với ông Dương (con rể ông Minh) không liên quan tới hành vi của ông Minh và đồng phạm. Đồng thời, không có cơ sở để khẳng định bà Kim Oanh câu kết với Dương để thành lập Công ty Tân Phú, cùng Dương mua bán, chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định... Vì vậy, không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Kim Oanh trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú để sở hữu dự án 43 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm