Tình huống pháp lý đặc biệt trong vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên

Ngày 12-1, viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm cùng hai bản án sơ, phúc thẩm, giao TAND TP.HCM xử lại phần chia tài sản chung trong vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Kiến nghị tăng tỉ lệ tài sản bà Thảo được chia

Kiến nghị của viện trưởng VKSND Tối cao căn cứ các điều 21, 57 và 358 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Theo đó, viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng các bản án và quyết định giám đốc thẩm có nhiều sai sót. Cụ thể, tòa sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kết quả thẩm định giá không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã không xem xét việc này.

Việc bà Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm “quyền được kinh doanh” của bà Thảo.

Cụ thể, quyết định giám đốc thẩm buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường là “không phù hợp” quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Việc quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng ngàn công nhân” bị VKSND Tối cao cho rằng “không có cơ sở”.

Các công ty có tranh chấp đều thành lập sau tám năm hai người kết hôn nhưng tòa lại chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà.

Kiến nghị còn nêu bà Thảo ngoài nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung của vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên. Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong “thực hiện nghĩa vụ của người chồng” theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Do đó, cần tăng tỉ lệ tài sản bà Thảo được chia thay vì chỉ nhận 40%, còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.

VKSND Tối cao từng kháng nghị hủy án

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 4-2020, VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị HĐTP TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM và bản án sơ thẩm ngày 27-3-2019 của TAND TP.HCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại.

Theo kháng nghị, các chứng thư thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25-6-2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20-2-2019 đều đã hết hiệu lực.

Sau xử sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo, tuy nhiên tòa phúc thẩm đã không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Kháng nghị cũng chỉ ra tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng nhằm giải quyết triệt để vụ án là vi phạm…

Năm 2021, HĐTP TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, cho ông Vũ, bà Thảo được ly hôn. Tài sản chung hơn 7.900 tỉ đồng được chia cho ông Vũ gần 4.700 tỉ đồng, bà Thảo hơn 3.200 tỉ đồng.

Cụ thể, bà Thảo được chia bảy khu đất giá 375 tỉ đồng và hơn 1.500 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Ông Vũ nhận sáu khu đất trị giá hơn 350 tỉ đồng cùng toàn bộ cổ phần, vốn góp của hai người tại Tập đoàn Trung Nguyên trị giá hơn 5.600 tỉ đồng nhưng phải trả cho bà Thảo hơn 1.300 tỉ đồng.

Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định ủa Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Kiến nghị xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao là một thủ tục đặc biệt. Vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản này đã được HĐTP TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm nên viện trưởng VKSND Tối cao không thể áp dụng thủ tục kháng nghị nữa mà phải kiến nghị theo Điều 358 BLTTDS 2015.

Đây là trường hợp viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TAND Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó.

Về thủ tục, Điều 359 BLTTDS 2015 quy định trong một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị, chánh án TAND Tối cao phải báo cáo và đề nghị HĐTP TAND Tối cao mở phiên họp xem xét. HĐTP TAND Tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc có mở phiên họp hay không. Trường hợp nhất trí, HĐTP quyết định mở phiên họp để xem xét lại quyết định của HĐTP với sự tham gia của viện trưởng VKSND Tối cao. Phiên họp phải có sự tham gia của toàn thể thẩm phán TAND Tối cao.

Về thẩm quyền, Điều 360 BLTTDS 2015 quy định: Tại phiên họp, HĐTP TAND Tối cao xem thấy có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, bản án… đã ban hành thì sẽ đưa ra một trong ba quyết định như sau:

Một là, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án.

Hai là, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TAND Tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật.

Ba là, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyết định của HĐTP TAND Tối cao phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của HĐTP TAND Tối cao biểu quyết tán thành.

Luật sư NGUYỄN TRỌNG HÀO, Đoàn Luật sư TP.HCM

TRÚC PHƯƠNG ghi

***
Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc đề nghị của Chánh án TAND Tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chánh án Tòa TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
3. Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.
4. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị quy định tại khoản 3 Điều này phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSND Tối cao.
(Điều 358 BLTTDS 2015, chương XXII Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định ủa Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm