Tổ chức trộm chó, vợ bị xử, chồng ‘thoát’

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có kháng nghị giám đốc thẩm trong một vụ trộm chó xảy ra ở huyện Sông Hinh (Phú Yên).

Tổ chức trộm chó, dùng ô tô vận chuyển

Theo hồ sơ, vợ chồng Đường Thị Nga buôn bán thịt chó ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Trần Minh Cường là bạn vợ chồng Nga, thấy vợ chồng Nga có ô tô nên giới thiệu Văn Công Hũ đến lái xe. Vợ chồng Nga đồng ý thuê Hũ lái xe, trả công mỗi chuyến 500.000 đồng.

Do không có tiền tiêu, Cường nảy sinh ý định đi trộm chó và gợi ý với vợ chồng Nga dùng ô tô để chở chó trộm cắp được. Hai bên bàn bạc, thống nhất rằng nhóm Cường chuẩn bị công cụ, phương tiện và thực hiện việc trộm chó, thu gom vào rọ đặt tại địa điểm tập kết, Hũ sẽ lái ô tô chở chó về nhà vợ chồng Nga tiêu thụ.

Sau đó Nga điều động, giao ô tô cho Hũ để phối hợp với nhóm Cường thực hiện việc trộm chó.

Đêm 15-10-2016, Cường cùng ba người (chưa rõ lai lịch) đến huyện Sơn Hòa và huyện Krông Pa (Gia Lai) bắt trộm được khoảng 12-13 con chó rồi cho vào rọ sắt, đem đến địa điểm tập kết do Nga chỉ định. Sau đó Hũ lái ô tô đến chở số chó này về nhà Nga. Nga trả tiền cho nhóm Cường 4,6 triệu đồng.

Đêm hôm sau, nhóm Cường bắt trộm được sáu con chó tại huyện Sông Hinh. Do Nga thông báo có CSGT kiểm tra dọc đường nên Hũ quay ô tô về. Vì thế, nhóm Cường dùng xe máy chở chó về bán cho Nga được 2,2 triệu đồng.

Đêm hôm sau nữa, nhóm Cường bắt trộm trên địa bàn huyện Sông Hinh được 27 con chó. Hũ lái ô tô đến chở số chó này về nhà Nga thì bị CSGT huyện Sơn Hòa kiểm tra phát hiện, bắt quả tang.

Sau đó chỉ có Cường, Nga, Hũ bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản, còn chồng Nga “thoát”. Tháng 9-2017, TAND huyện Sông Hinh xử sơ thẩm đã phạt Cường một năm tù, Nga và Hũ mỗi người sáu tháng tù về tội danh trên theo khoản 1 Điều 138 BLHS cũ. Cường, Nga, Hũ kháng cáo xin giảm án. Tháng 12-2017, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã tuyên y án một năm tù đối với Cường, giảm án cho Nga và Hũ mỗi người xuống còn năm tháng tù.

Kháng nghị hủy cả hai bản án

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tòa hai cấp sơ, phúc thẩm ở Phú Yên xét xử Cường, Nga và Hũ về tội trộm cắp tài sản là đúng tội danh. Tuy nhiên, tòa hai cấp xét xử các bị cáo nói trên theo khoản 1 Điều 138 BLHS cũ là không đúng khung hình phạt, đồng thời còn có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội.

Cụ thể, lời khai của các bị cáo thể hiện Cường là người gợi ý, khởi xướng việc trộm cắp, chuẩn bị thòng lọng, ná cao su, ớt bột, dao… Nga cung cấp, điều động ô tô để vận chuyển chó và bố trí sẵn rọ trên xe để nhốt chó, đồng thời cũng là người tiêu thụ chó trộm cắp được. Hũ có nhiệm vụ lái xe đến điểm tập kết để lấy chó theo chỉ đạo của Nga.

Để việc trộm cắp trót lọt, các bị cáo đã chuẩn bị, bàn bạc với nhau từ trước, lên kế hoạch thời gian, địa điểm phạm tội. Trên thực tế, các bị cáo đã thực hiện đúng như kế hoạch đã đặt ra. Hành vi của Cường, Nga, Hũ không tách rời nhau, giúp sức, hỗ trợ, phối hợp cho nhau, trong đó mỗi bị cáo có một vai trò và nhiệm vụ của mình mà thiếu một trong số đó sẽ không thể thực hiện được tội phạm.

Sự câu kết trên là chặt chẽ nên các bị cáo đã phạm vào tình tiết định khung là phạm tội có tổ chức theo điểm a khoản 2 Điều 138 BLHS cũ. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS cũ. Việc tòa hai cấp sơ, phúc thẩm xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 138 BLHS cũ là sai khung hình phạt, đồng thời không áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS cũ là có thiếu sót.

Cạnh đó, lời khai của Cường, Hũ thể hiện chồng Nga có bàn bạc, trao đổi việc trộm cắp chó với Cường, Hũ và giao hẹn việc tiêu thụ tài sản trộm cắp được. Công cụ phạm tội đều lấy tại nhà vợ chồng Nga và chính vợ chồng Nga chỉ đạo địa điểm tập kết để lấy số chó trộm cắp được.

Qua kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm, cả Nga và Hũ đều thừa nhận chồng Nga biết việc dùng ô tô vào mục đích trộm cắp chó nhưng không có hành động gì để ngăn cản. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hũ vẫn khai như tại phiên tòa sơ thẩm và còn khai thêm chính chồng Nga là người giao ô tô cho Hũ và là người đếm số chó trộm cắp được. Như vậy, chồng Nga có dấu hiệu đồng phạm với Cường, Nga, Hũ nhưng tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm không áp dụng quy định của BLTTHS để xử lý, làm rõ là bỏ lọt người phạm tội.

Từ đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại. VKSND Cấp cao đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với chồng Nga về tội trộm cắp tài sản và xét xử các bị cáo theo điểm a khoản 2 Điều 138 BLHS cũ, đồng thời áp dụng đầy đủ tình tiết tăng nặng đối với tất cả bị cáo.

Thế nào là phạm tội có tổ chức?

Theo khoản 3 Điều 20 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Theo điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong nhiều tội danh quy định trong BLHS, phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm