Tổ trưởng nhân dân tự dưng bị kiện

TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa thụ lý một vụ kiện khá hi hữu, trong đó bị đơn là tổ trưởng tự quản do nhân dân trong ấp bầu lên. Đó là ông Nguyễn Công Hợp (tổ trưởng tổ 6), ông Nguyễn Văn Lợi (tổ trưởng tổ 7) và ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành.

Ba ông nói trên bị Lê Minh Hồng và ba người nữa (ủy quyền cho ông Lê Văn Bình) kiện đòi bồi thường giá trị sử dụng đất tương ứng với diện tích đất làm đường đi công cộng.

Kiện đòi đất làm đường

Nguyên đơn trình bày năm 2010, bà Hồng nhận chuyển nhượng thửa đất 298 (diện tích hơn 36.000 m2) thuộc ấp Thanh Bình, xã Lộc An từ ông Phạm Đình Thanh. Trong quá trình sử dụng, bà Hồng thấy con đường trong bản đồ quy hoạch chạy qua thửa đất này không phù hợp cho việc canh tác nên bà làm đơn xin mở đường đi sang bên cạnh nhưng vẫn thuộc thửa 298 và đã được UBND xã Lộc An làm tờ trình gửi UBND huyện Long Thành.

Theo nguyên đơn, thực tế con đường chỉnh lý trên đã được bà con sử dụng từ đó đến nay. Thửa đất của bà Hồng đã được chấp thuận chỉnh lý lại là hơn 33.400 m2 do trừ diện tích đường và bị lấn ranh đất. Năm 2012, bà Hồng đã cắt thửa chuyển quyền cho ba hộ khác, ba hộ này cùng với bà đã canh tác ổn định.

Cuối năm 2012, UBND xã Lộc An trồng trụ điện đi qua các thửa đất trên mà không có thỏa thuận đồng ý của bà và ba hộ nói trên. Tháng 2-2013, ông Hợp, ông Lợi và ông Minh đã tự ý chở đất làm đường đi qua các thửa đất của bà và ba người còn lại làm hư hại hoa màu và cây trồng. Diện tích đất bị chiếm để làm đường là hơn 2.000 m2. Do vậy, nguyên đơn đề nghị trả lại con đường chạy giữa thửa đất mà ông Hợp, ông Lợi và ông Minh đã làm, đồng thời bồi thường thỏa đáng.

Ông Nguyễn Công Hợp, tổ trưởng tổ 6, ấp Thanh Bình, xã Lộc An, bên con đường công cộng mà nguyên đơn kiện đòi. Ảnh: TIẾN DŨNG

Chủ cũ đã hiến đất làm đường

Trong khi đó, ông Lợi, ông Hợp và ông Minh trình bày: Trước đây 74 hộ dân thuộc tổ 6 và tổ 7, ấp Thanh Bình hoàn toàn bị cô lập vì không có đường đi lại, bà con toàn băng qua lô cao su để ra đường. Năm 2006, UBND xã Lộc An đã mở một con đường nối khu vực tổ 6, tổ 7 thông ra đường lộ.

Năm 2009, UBND huyện Long Thành và UBND xã Lộc An dùng 1,2 tỉ đồng từ ngân sách đầu tư tiếp 3 km còn lại. Con đường trên được làm theo tinh thần xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Do vậy, đường đi qua đất của ai thì người đó tự nguyện hiến đất để làm đường. Trong đó có đoạn đi qua thửa đất 298 do ông Phạm Đình Thanh hiến đất để làm đường. Năm 2009, con đường trên được đưa vào sử dụng.

Đến năm 2010, bà Hồng mua lại toàn bộ thửa đất của ông Thanh. Sau đó bà Hồng thuê người đem xe ben, xe cuốc đến đào đường và cẩu cống thoát nước mang đi nơi khác để trồng mì lên chính con đường vừa bị phá. Do đường bị phá nên người dân phải đi nhờ trong đường nội bộ của Công ty Thôn Trang Xanh. Trong nhiều năm, người dân làm đơn khiếu nại yêu cầu bà Hồng trả lại đường cho người dân. UBND xã nhiều lần mời người được bà Hồng ủy quyền lên làm việc, người này hứa trả lại đường nhưng không thực hiện.

Do bà Hồng không thực hiện cam kết nên đầu năm 2014, người dân đã thống nhất tự bỏ công sức, tiền của để sửa chữa lại con đường đã bị mất dọc theo đường điện trung thế. Việc này chính quyền xã Lộc An biết và có công an xã vào giữ gìn trật tự để người dân sửa lại đường.

“Việc bà Hồng kiện hai tổ trưởng chúng tôi là phi lý vì con đường này là con đường dân sinh được UBND huyện Long Thành và xã Lộc An đầu tư xây dựng. Đây là con đường đi chung của người dân và là tài sản của Nhà nước chứ không phải là tài sản riêng của hai cá nhân chúng tôi. Nếu họ muốn kiện đòi con đường thì cứ kiện người dân tổ 6, tổ 7, UBND xã Lộc An và UBND huyện Long Thành mới đúng” - ông Hợp nói.

Người dân đã tái lập đúng con đường cũ

Trong văn bản gửi đến TAND huyện Long Thành, UBND xã Lộc An cho biết những trình bày trên của ông Lợi, ông Hợp và ông Minh là đúng. Ủy ban xã giải thích thêm, do lúc làm đường không có quyết định thu hồi đất nên phần diện tích mà người dân hiến làm đường ủy ban không điều chỉnh trong giấy đỏ. Tuy nhiên, con đường cắt ngang qua thửa 298 hiện đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã.

Năm 2010, ông Thanh chuyển nhượng trọn thửa đất cho bà Hồng. Do chuyển nhượng trọn thửa nên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất không đo đạc thực tế để lập bản vẽ mà chỉ trích lục bản đồ địa chính để ông Thanh và bà Hồng được lập thủ tục chuyển nhượng. Bà Hồng đã đứng tên giấy đỏ thửa đất này, bao gồm luôn cả diện tích đường đi mà trước đây ông Thanh đã hiến.

Năm 2011, phía bà Hồng đã ngang nhiên phá bỏ con đường này. Người dân phải đi nhờ trên đoạn đường qua Công ty Thôn Trang Xanh. Khi công ty này bít đường, người dân ở tổ 6, tổ 7 đã chủ động đổ đất san ủi để mở lại con đường cũ đúng vị trí con đường trước đây mà phía bà Hồng đã phá hủy. Khi người dân khôi phục đoạn đường, UBND xã Lộc An có đến hiện trường để ghi nhận sự việc.

UBND xã Lộc An xác nhận việc bà Hồng cùng ba người khác kiện ông Lợi, ông Hợp, ông Minh là không đúng.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Liêm, Phó Chánh án TAND huyện Long Thành (Đồng Nai), cho biết sẽ rà soát lại hồ sơ vụ án. “Nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa thì tòa sẽ đình chỉ và trả hồ sơ cho nguyên đơn” - ông Liêm nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.