Tòa án sẽ công khai các bản án, quyết định

Theo đó, tòa án công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trừ bản án, quyết định không được công khai (được quy định rõ tại thông tư này); được công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật khi có đủ điều kiện.

Công khai bản án liên quan đến bí mật đời tư phải được đương sự đồng ý

Các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án sau đây phải được công khai gồm: Bản án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự; quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; quyết định giải quyết việc dân sự…

Dự thảo thông tư cũng quy định rõ những trường hợp bản án, quyết định được công khai có điều kiện. Đó là bản án, quyết định liên quan đến bí mật kinh doanh được công khai trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

Bản án, quyết định liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý; bản án, quyết định liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Chánh án tòa án đã ban hành bản án, quyết định quyết định việc công khai cung cấp bản án, quyết định liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý.

Không công khai bản án xét xử kín       

Theo dự thảo thông tư, bản án, quyết định không được công khai là bản án, quyết định về vụ việc được tòa án quyết định xét xử, giải quyết kín.

Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau cũng không được công khai:

- Có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật;

- Có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của các cơ quan, tổ chức và bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi. Khi bản án, quyết định có chứa đựng nội dung thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì bản án, quyết định đó được công khai;

- Nếu công khai sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác;

- Bản án hình sự, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự có hình phạt tử hình; các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Có mã hóa tên bị cáo, đương sự không?

Liên quan đến việc mã hóa thông tin, số hóa bản án, quyết định của tòa án, dự thảo nêu hai phương án.

Theo đó, phương án 1 là bản án, quyết định trước khi được đăng tải trên cổng thông tin điện tử phải được mã hóa các thông tin tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có trong bản án, quyết định của tòa án, trừ tên của những người tiến hành tố tụng.

Ví dụ 1: "ông Nguyễn Văn Huy" được thay bằng "ông A".

Ngược lại, theo phương án 2, bản án, quyết định được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử mà không phải mã hóa thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm