Tòa công nhận chứng cứ không hợp pháp

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Thị Quỳnh Vân (chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thanh Sơn, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) trình bày: Tháng 3-2008, ông LTT ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 18.000 m2 đất nông nghiệp cho bà với giá 23,5 tỉ đồng và đã giao cho bà ba giấy tờ đất.

Khống chế bắt viết giấy nợ

Sau đó, do hai bên phát sinh mâu thuẫn trong việc thanh toán, ngày 31-1-2010, ông T. đã đưa bảy thanh niên đến nhà bà khống chế nhằm gây áp lực buộc bà ký nhận nợ và lấy lại giấy tờ đất. Theo chỉ đạo của ông T., bảy thanh niên này đã khống chế bà Vân, con bà, người giúp việc, lái xe rồi dồn hết vào phòng khách, không cho ai đi lại, gọi điện thoại.

Sau đó, ông T. đưa bản hợp đồng trước đó hai bên từng ký, phía dưới ông tự ghi thêm: “Hôm nay, 31-1-2010 tôi Võ Thị Quỳnh Vân là giám đốc DNTN Thanh Sơn đã tạm ứng cho ông LTT là chủ sở hữu khu đất trên với số tiền 12.450.000.000. Số tiền còn nợ 11.059.200.000 đồng tôi cam kết sẽ trả hết số tiền còn lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký giấy này”. Ông T. bắt bà Vân ký tên, đóng dấu vào hợp đồng này (gọi tắt là giấy nợ - NV) nhưng bà không ký. Ông T. bèn ra hiệu cho người trong nhóm mình tát vào mặt bà, cầm gạt tàn thuốc đe dọa buộc bà phải ký vào giấy nợ. Ông T. còn yêu cầu bà viết giấy cam kết trả lại giấy tờ đất. Hoảng sợ, bà Vân phải ký tên, đóng dấu vào giấy nợ.

Lúc mới ập vào khống chế nhà bà Vân, ông T. còn ra lệnh cho hai thanh niên lên lầu kiểm tra xem còn người không. Hai người này đã tự ý lấy trộm điện thoại, đồng hồ, tiền… của bà Vân (tổng trị giá khoảng 15 triệu đồng).

Sau khi bà Vân tố cáo, tháng 2-2010, nhóm của ông T. đã bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản (sau đổi thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân) và tội trộm cắp tài sản... Tuy nhiên, đến tháng 1-2014, nhóm này đã được VKS miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 BLHS với lý do hành vi của nhóm này tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng do chuyển biến tình hình nên không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Bà Vân cho rằng tòa sơ thẩm đã dùng chứng cứ không hợp pháp khi giải quyết vụ án dân sự mà bà là bị đơn. Ảnh: H.YẾN

Chứng cứ phải hợp pháp, có thật

Ông T. kiện ra TAND huyện Hóc Môn đòi bà Vân trả nợ và nộp cho tòa chứng cứ chính là giấy nợ mà ông từng đe dọa, ép buộc bà Vân ký, đóng dấu xác nhận. Mới đây, xử sơ thẩm, tòa đã chấp nhận yêu cầu của ông T., buộc bà Vân phải trả 23,5 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi.

Đáng chú ý, về giấy nợ, HĐXX nhận định theo kết luận điều tra là do ông T. dùng vũ lực cưỡng ép bà Vân ký và đóng dấu. Song vụ án hình sự này đã bị đình chỉ nên HĐXX coi chứng cứ này là đúng sự thật vì nội dung phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ...

Chuyện tranh chấp nợ nần của hai bên sẽ do các cấp tòa phán quyết. Vấn đề pháp lý mà chúng tôi muốn bàn ở đây là việc tòa công nhận giấy nợ do một bên đương sự bị ép buộc, đe dọa viết ra khi giải quyết án dân sự liệu đã ổn?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), giấy nợ trên không phải là chứng cứ hợp pháp, phản ánh được sự thật khách quan trong án dân sự. Bởi lẽ giấy nợ này là chứng cứ buộc tội nguyên đơn trong vụ án hình sự mà nguyên đơn từng bị khởi tố. Nguyên đơn được đình chỉ điều tra không phải vì không phạm tội mà là có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. “Rõ ràng giấy nợ được tạo dựng từ hành vi phạm tội thì làm sao hợp pháp, làm sao đáng tin cậy để có thể sử dụng để làm chứng cứ trong án dân sự được” - luật sư Đức khẳng định.

Đồng tình, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) phân tích: “Khi xét xử án dân sự, HĐXX phải đánh giá chứng cứ. Chứng cứ phải là những gì có thật, phản ánh được bản chất và sự thật của vụ án. Một giấy nợ bị đe dọa, ép buộc viết ra mà được công nhận là chứng cứ, được công nhận là đúng sự thật thì không thể chấp nhận được”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều thẩm phán chuyên xử án dân sự cũng cho rằng việc HĐXX công nhận giấy nợ mà một bên đương sự bị đe dọa, ép buộc viết ra là thiếu khách quan.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Vân đã kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm.

Quy định về chứng cứ trong án dân sự

Theo BLTTDS 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và được tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm