Tòa hóa giải, xóa tội tù cho 2 người hàng xóm

Hồ sơ thể hiện xế chiều 11-3-2018, khi thấy bóng bà Nguyễn Thị Dung (48 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) ngoài ngõ sau khi đi giao hàng về, ông Nguyễn Văn Côn (79 tuổi, hàng xóm) buông những lời tục tĩu chửi bới.

Trước đó, hai người đã nhiều lần “khẩu chiến” với nhau vì mâu thuẫn. Vì thế, hôm ấy sau khi bị chửi, bà Dung cầm ngay cây gỗ chạy qua nhà ông Côn để hơn thua.

Đánh, tố nhau rồi cùng bị kết án tù

Tuy nhiên, khi vừa chạy đến sân, bà Dung đã bị ba người gồm con và cháu ông Côn xúm lại vật ngã. Ông Phúc (chồng bà Dung) thấy vậy cầm một tuýp sắt chạy qua giải cứu vợ nhưng đã bị những con, cháu ông Côn lôi vào nhà.

Sau đó, ông Côn cầm gậy đánh trúng đầu bà Dung hai cái. Bà Dung thì lượm cục đá ném trúng đầu ông Côn chảy máu. Ông Côn tiếp tục cầm gậy đánh vào người ông Phúc.

Hậu quả là hai bên đều phải nhập viện. Kết quả giám định cho thấy bà Dung bị tổn thương 9% sức khỏe, ông Phúc và ông Côn mỗi người bị tổn thương 2% sức khỏe.

Vợ chồng ông Phúc, bà Dung sau đó đã có đơn tố cáo ra công an yêu cầu xử lý hình sự đối với ông Côn. Ngược lại, ông Côn cũng có đơn tố cáo hành vi của bà Dung và yêu cầu công an xử lý hình sự.

Sau quá trình xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi, cuối cùng cả ông Côn và bà Dung đều bị Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS 2015.

Sau đó, TAND huyện Hóc Môn xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Dung sáu tháng tù, ông Côn ba tháng tù, cùng về tội danh trên. Về phần dân sự, tòa tuyên ông Côn phải bồi thường 30 triệu đồng cho bà Dung.

Bà Dung kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng mình bị oan, còn ông Côn thì kháng cáo xin hưởng án treo vì tuổi cao, sức yếu.

Tòa xét xử nhân văn, thấu lý đạt tình

Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND TP.HCM, đứng trước bục khai báo, bà Dung giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, kiên quyết cho rằng mình bị oan. Theo bà, hành vi ném đá trúng đầu ông Côn chỉ là tự vệ bởi một mình bà yếu thế nhưng đã bị ba người con, cháu ông Côn xông vào hành hung.

Thấy vậy, một vị thẩm phán nói: “Nếu không có con, cháu ông Côn ngăn lại thì chắc chắn bà đã xông vào đánh bị cáo Côn thương tích rồi, vì bà là người chủ động mang cây qua nhà họ”.

Bà Dung tiếp tục trình bày rằng hai gia đình hiềm khích đã lâu, nhiều lần bà làm đơn nhờ chính quyền giải quyết nhưng không ai làm gì nên mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.

79 tuổi, mái tóc bạc trắng đứng trước tòa, ông Côn khai rằng gia đình mình thường xuyên bị bà Dung chì chiết, thách thức nên mới bức xúc đến vậy…

Và cứ như thế, không khí phiên tòa trở nên căng thẳng khi hai bị cáo liên tục đổ lỗi qua lại, ai cũng cho rằng mình là người bị hại vì bị người kia hành hung trước.

Cũng chính lúc ấy, HĐXX thể hiện vai trò hòa giải của mình. Vị thẩm phán nói: “Dù sao đây cũng là mâu thuẫn nhỏ. Tôi nghĩ nếu mỗi người bình tâm một chút để suy xét sự việc thì không ai phải đứng trước phiên tòa này. Hai bị cáo bình tĩnh thử nghĩ coi, cũng phải có duyên thì hai nhà mới là hàng xóm của nhau...”.

Thấy ông Côn bắt đầu chuyển biến về tâm lý, vị thẩm phán quay sang hỏi: “Sau khi nghe HĐXX phân tích, bị cáo có ý định rút đơn yêu cầu khởi tố bị cáo Dung hay không?”. “Nếu bà Dung rút đơn thì tôi mới rút đơn yêu cầu” - ông Côn trả lời.

Tuy nhiên, ở phía bên kia bà Dung không thay đổi quan điểm.

Thấy vậy, một vị thẩm phán trong HĐXX lại thuyết phục: “Nếu không rút đơn yêu cầu xử lý hình sự, sau phiên tòa này hai bị cáo sẽ phải đi chịu án. Bà Dung là phụ nữ, ông Côn tuổi cũng đã cao, có đáng phải chịu cảnh tù tội không? Chẳng những thế, sau khi chấp hành án xong hai gia đình vẫn là hàng xóm, lúc ấy liệu còn nhìn mặt nhau được nữa không? Chi bằng mỗi bên nhún nhường một chút để sau này qua lại còn nhìn mặt nhau, còn hỏi thăm nhau”.

Nghe những lời nói có lý có tình ấy, cuối cùng bà Dung cũng đồng ý rút đơn yêu cầu xử lý hình sự ông Côn. Hai bên coi như giảng hòa, cùng rút đơn yêu cầu khởi tố. Trên cơ sở này, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.

Tòa hủy án sơ thẩm và đình chỉ đúng quy định

Tại Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26-11-2018 (về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS), TAND Tối cao hướng dẫn như sau:

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì HĐXX hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của tòa án cấp sơ thẩm.

Khoản 2 Điều 155 BLTTHS quy định trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Cạnh đó, Điều 359 BLTTHS cũng quy định về việc tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Như vậy, trong vụ án trên, HĐXX phúc thẩm TAND TP.HCM đã vận động hai bên rút đơn yêu cầu khởi tố, sau đó hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là đúng pháp luật, thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

S.NGUYỄN 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm