VỤ ‘ÁN CHỒNG ÁN, TRANH CHẤP KÉO DÀI’

Tòa hủy quyết định thu hồi tầng trệt nhà

Với quyết định hành chính năm 1995, tòa kiến nghị Chính phủ, UBND TP.HCM… xem xét lại tính hợp pháp vì bà Hạnh đã hết thời hiệu khởi kiện. Tòa cũng tuyên bác yêu cầu của bà Hạnh về việc hủy văn bản năm 2010 của Sở Xây dựng TP.HCM vì không chứa nội dung của một quyết định hành chính.

Như đã thông tin, năm 1991, cha bà Hạnh tặng phần của ông trong căn nhà trên cho mẹ bà. Cùng năm này, mẹ bà được UBND quận 3 xác nhận nhà không thuộc diện Nhà nước quản lý nên lập di chúc để lại nhà cho bà. Sau đó bà được cấp phép xây lại nhà thành một trệt, ba lầu.

Cuối năm 2006, cha bà Hạnh kiện ra TAND TP.HCM đòi chia phần thừa kế căn nhà (mẹ bà đã mất). Trong thời gian chờ tòa giải quyết, cha bà lại gửi đơn lên Sở Xây dựng và UBND TP.HCM xin ưu tiên mua lại nhà. Năm 2008, Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu Sở Tư pháp hủy hợp đồng cho tặng nhà và việc công chứng di chúc của mẹ bà Hạnh với lý do vào năm 1995, UBND TP.HCM đã ra quyết định xác định sở hữu nhà nước. Nhưng theo Sở Tư pháp, giấy tờ công chứng được làm đúng trình tự nên hợp pháp, không thể hủy bỏ...

Tầng trệt căn nhà số 110 Cao Thắng (quận 3, TP.HCM). Ảnh: T.TÙNG

Tháng 9-2010, Sở Xây dựng TP.HCM ra văn bản về việc kiểm kê thu hồi tầng trệt nhà 110 Cao Thắng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Trên cơ sở quyết định năm 1995, tháng 6-2012, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi tầng trệt căn nhà. Bà Hạnh khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy cả văn bản lẫn quyết định trên vì cho rằng trái luật, xâm phạm quyền sở hữu nhà hợp pháp của bà. Đặc biệt, quyết định năm 1995 không được tống đạt cho bà, mãi 17 năm sau khi tham gia vụ án dân sự bà mới biết và trong hồ sơ vụ kiện không có bản chính mà chỉ có bản phôtô không có chứng thực.

Mới đây đại diện UBND TP.HCM đã trưng ra bản chính quyết định năm 1995 và khẳng định việc ban hành hai quyết định là đúng.

Theo tòa, về hình thức, quyết định năm 1995 của UBND TP.HCM ghi sai tên mẹ bà Hạnh. Trên quyết định có chữ ký phôtô của một phó chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó là trái quy định, không có hiệu lực pháp luật. Về nội dung, phần diện tích 640 m2 tầng trệt ngôi nhà trước kia cha bà Hạnh cho mượn để làm nhà in, ông không dùng giá trị đất để góp vốn mà chỉ góp phần giá trị xây dựng nhà. Thực tế tầng trệt là một khối thống nhất không thể tách rời với toàn bộ ngôi nhà và cũng chỉ có một lối đi chung lên các lầu trên. Trong quyết định thành lập công ty in hợp doanh trước kia cũng không đề cập gì đến diện tích đất 640 m2 nên ủy ban không thể xác lập sở hữu nhà nước được.

Trong khi đó, năm 1991, cha bà Hạnh đã làm thủ tục hợp pháp giao căn nhà cho mẹ bà Hạnh để bà Hạnh được sở hữu trọn căn nhà (tất cả thủ tục này đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý). Như vậy từ thời điểm năm 1991, cha bà Hạnh không còn quyền định đoạt gì đối với căn nhà mà nó thuộc sở hữu hợp pháp của bà Hạnh. Tuy nhiên, do bà Hạnh không còn thời hiệu khởi kiện quyết định năm 1995 của UBND TP.HCM nên tòa không thể tuyên hủy mà chỉ kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét lại.

Tòa nhận định quyết định năm 2012 của UBND TP.HCM áp dụng chưa đúng theo Điều 5 Nghị quyết 755/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 4, Điều 5 Nghị định 127/2005 của Chính phủ. Vì ủy ban chưa thực hiện một số vấn đề liên quan như chưa kiểm kê, chưa giải quyết vấn đề lối đi chung, ranh đất, chưa tính toán giá trị còn lại, chưa làm thủ tục quản lý nhà, chưa bố trí người ở, chưa nói rõ là thu hồi cả diện tích nhà đất hay chỉ thu hồi vật liệu kiến trúc. Trong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với toàn bộ căn nhà của bà Hạnh còn nguyên giá trị và ở trên lầu, gia đình không còn lối đi nào khác. Quyết định còn áp dụng Nghị định 111 ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ vốn đã hết hiệu lực từ 1-7-1991. Từ những bất hợp lý trên, tòa đã hủy quyết định này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm