Tòa không cho đưa con nhỏ vào phòng xử là hợp tình, hợp lý!

Tại phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 6.300 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBank, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB) mấy ngày nay, sự việc đáng chú ý là sự hiện diện của hai mẹ con bị cáo Bùi Thị Kim Loan... trong phòng xử.
Bị cáo Loan nguyên là kế toán Công ty Phú Mỹ, trợ lý của bà Hứa Thị Phấn, bị truy tố về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái... (đều có khung hình phạt truy tố cao nhất đến 20 năm tù) dù chỉ mới sinh con được gần một tháng nhưng lại ẵm cả em bé vào phòng xử. Hình ảnh này đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người không khỏi ái ngại, lo cho sức khỏe hai mẹ con.

Nhiều bạn đọc khi mới xem được hình ảnh đã sớm bày tỏ sự bất bình đối với chủ tọa phiên tòa khi đã để hai mẹ con bị cáo Loan phải đến hầu tòa trong tình cảnh như thế.

Hình ảnh hai mẹ con Loan tại tòa khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Ảnh: PL

Tuy nhiên, xét tất cả những gì chủ tọa đã làm và quyết định trong trường hợp này, nhiều chuyên gia cho rằng chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình sự, đã giải quyết sự việc hết sức có tình có lý và hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, trước khi phiên tòa diễn ra, tòa đã cử thẩm phán và thư ký phiên tòa trực tiếp đến nhà gặp bị cáo Loan, khi đó có mặt luật sư của bị cáo để nắm tình hình sức khỏe của hai mẹ con bị cáo. Và xét tình trạng sức khỏe sinh sản của bị cáo, HĐXX cho biết có thể cho bị cáo được xét xử vắng mặt. Trong những ngày xét xử mà nội dung không liên quan đến hành vi của bị cáo, HĐXX có thể cho bị cáo vắng mặt. Tuy nhiên, bị cáo đã không đồng ý mà làm đơn xin hoãn phiên tòa. 
HĐXX không đồng ý đề nghị hoãn phiên tòa của bị cáo với lý do thai sản vì cho rằng ngoài luật định.
Đến ngày xét xử, khi thấy bị cáo Loan vẫn ẵm con nhỏ đến tòa, chủ tọa đã bố trí phòng chăm sóc đặc biệt riêng cho hai mẹ con bị cáo, đồng thời điều bác sĩ và y tá của BV Nhi đồng 2 mang nôi và những vật dụng cần thiết đến tòa túc trực liên tục để đảm bảo sức khỏe của bị cáo và cháu bé. 

Sang ngày xét xử thứ ba, sáng nay (10-5) bị cáo Loan lại ẵm con đến tòa. Chủ tọa phải vội điều động y bác sĩ đến tòa chăm sóc cho hai mẹ con bị cáo Loan.

Tuy nhiên, Loan không đến phòng chăm sóc đặc biệt đã được bố trí mà đưa con vào trong phòng xử. Thư ký phiên tòa đã đến động viên bị cáo trở lại phòng chăm sóc đặc biệt nhưng bị cáo không đồng ý. Chủ tọa sau đó cũng trực tiếp đến động viên bị cáo giao con cho cán bộ y tế thì mới có thể vào phòng xử, khi nào xử xong cán bộ y tế sẽ giao con lại cho bị cáo...

Chủ tọa phiên tòa cũng đề nghị luật sư của bị cáo là ngày nào bị cáo đưa con đến phải thông báo trước để tòa chủ động bố trí người chăm sóc...

Tòa không cho đưa con nhỏ vào phòng xử là hợp tình, hợp lý! ảnh 2
Hai mẹ con bị cáo trong phòng xử sáng 10-5. Ảnh: T.Vân

Nhận định về cách xử lý của chủ tọa phiên tòa, nhiều chuyên gia cho rằng đây là cách giải quyết vừa hợp tình vừa hợp lý.

Nội quy phiên tòa ban hành kèm Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao, khoản 3 Điều 3 quy định người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa triệu tập.

Bị cáo được tòa cho xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt tại những phần không liên quan đến mình. Tuy nhiên, bị cáo sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên vẫn đến. Ngặt nỗi, bị cáo mới sinh con, mẹ đâu con đó. Ngoài việc cháu bé chỉ gần một tháng tuổi không được quyền có mặt tại phòng xử thì nếu tại phiên tòa, đứa bé cất tiếng khóc thì sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử và tính trang nghiêm của phiên tòa. Do vậy, chủ tọa đã dùng quyền điều hành để yêu cầu bị cáo rời phòng xử hoặc giao con như nêu trên, cách xử lý vậy là phù hợp.

Vụ án có nhiều bị cáo, phiên tòa diễn ra dài ngày. Bị cáo xin hoãn phiên tòa vì lý do thai sản nhưng không được chấp nhận. Việc không chấp nhận này là đúng quy định. Bởi lẽ luật không quy định người có con dưới 36 tháng tuổi thì không được đưa ra xét xử...
Đối với bị cáo có con nhỏ, công tác chuẩn bị của tòa cũng được cho là khá công phu và kỹ lưỡng, chí tình như tòa đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất như mua nôi, chỉ định bác sĩ sản nhi, chuẩn bị phòng đặc biệt hỗ trợ các vấn đề y tế cho bà mẹ và em bé...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm