‘Toà không xử chẳng lẽ để dân… tự xử?’

“Tôi đồng tình toà không được từ chối vụ án, nếu nhà nước không  bảo vệ được quyền lợi cho người dân thì để người dân tự xử, như thế có chấp nhận được không?”, ông Thuyền nói khi bàn luận về nội dung “quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp (Điều 4, dự thảo BLTTDS sửa đổi)…

Đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Giang Huy/VNE 

Khá nhiều ĐB đồng tình với quan điểm trên của ĐB Thuyền, là nên đưa quy định “Toà không được tự chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” vào dự thảo luật. Các ĐB cho rằng nội dung này bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.

ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nếu luật chưa đầy đủ là trách nhiệm của nhà nước. Vì thế toà không thể lấy cớ luật chưa có để từ chối người dân. Vấn đề đặt ra là chưa có điều luật cụ thể thì giải quyết vụ việc đó thế nào cho hợp lý, hợp tình. “Vai trò thẩm phán khác cô nhân viên bán hàng ở siêu thị. Việc phát sinh khi chưa có điều luật thì vẫn phải giải quyết vì tranh chấp đó phải giải quyết, nếu không tự giải quyết thì hậu quả khôn lường, có thể từ tranh chấp dân sự thành án hình sự nghiêm trọng. Người cầm cân nảy mực nghe trình bày để biết phía này phong tục tập quán này giải quyết thế nào để biết tập quán nào sát với vụ việc để giải quyết và dần thành án lệ”, bà Thuý nói.

Cùng ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) nhấn mạnh: “Người dân cần tới toà, tới Nhà nước mà nói anh về đi vì không có luật thì đó là Nhà nước không có trách nhiệm”. Theo ông Lịch, việc áp dụng án lệ, tập tục, tập quán là một trong những nguồn gốc của pháp luật, khi có lỗ hổng thì cơ quan làm luật bổ sung đề từ đó luật pháp phát triển. “Nếu ta từ chối là từ chối trách nhiệm và từ chối phát triển luật pháp và từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan được giao trách nhiệm này”, ông Lịch nói.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng: “Trước đây chúng ta cũng có quy định áp dụng tập quán, áp dụng tương tự nhưng đến nay nguồn của án lệ chúng ta vẫn chưa có nên không áp dụng được. Còn về phong tục tập quán thì từ xưa đến nay chúng ta cũng chẳng xử vụ án nào theo phong tục tập quán cả. có nghĩa là chúng ta có quy định trong Luật nhưng không thực hiện được mà bây giờ lại vẫn tiếp tục quy định trong Luật thì có nên hay không?”. Các ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong luật vì thiếu tính khả thi, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất…

Kết luận về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Khi nhà nước không đứng ra giải quyết mà để cho người dân tự giải quyết thì hậu quả rất nghiêm trọng”. Theo ông Lưu những trường hợp “vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng”, trên thực tế rất hãn hữu, không có nhiều. Trong khi đó, còn có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vì thế rất khó xảy ra việc sai sót trong xét xử những vụ việc dân sự chưa có điều luật cụ thể. Vì vậy theo ông Lưu việc giữ nguyên quy định trên trong dự thảo BLDS (sửa đổi) chính là “sự lựa chọn hợp lý nhất trong các sự lựa chọn”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm