Tòa mắc nhiều lỗi, bị VKS kháng nghị

Viện đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu. Theo viện, án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng cả thủ tục tố tụng và việc xác định chứng cứ lẫn đường lối giải quyết vụ án.

Theo hồ sơ, năm 1993, chồng bà Nguyễn Thị Tưởng mua hơn 6.000 m2 đất (thuộc thửa 20, tờ bản đồ 48, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) của ông Trần Văn Thời. Khi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, bà Tưởng ghi rõ số thửa là 20 nhưng không hiểu sao hồ sơ lại là số 23, vì thế việc cấp giấy đỏ bị ách lại. Trong khi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nhơn Trạch có văn bản trả lời là không có thửa số 23 thuộc tờ bản đồ số 48, xã Phước Khánh.

Năm 1999, bà Tưởng phát hiện toàn bộ hơn 6.000 m2 đất của mình được UBND huyện Nhơn Trạch cấp giấy đỏ cho ông Bùi Văn Khang vì ông này kê khai đăng ký chung vào đất của mình. Sau khi bà khiếu nại, ngày 7-5-2003, UBND huyện ban hành quyết định xác định việc cấp giấy phần đất tranh chấp cho ông Khang là sai sót nên thu hồi. Ông Khang khởi kiện UBND huyện. Xử sơ thẩm, TAND huyện tuyên ông Khang thua kiện nhưng tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên ông thắng.

Tháng 3-2007, bà Tưởng khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ông Khang trả đất. Ngày 6-5 vừa qua, TAND huyện Nhơn Trạch bác yêu cầu của bà. Sau đó VKS kháng nghị bản án này.

Quyết định kháng nghị chỉ ra bốn vi phạm của bản án sơ thẩm. Thứ nhất, về tố tụng, ông Khang có bốn người con nhưng tòa chỉ đưa ba người vào tham gia vụ án với tư cách là người liên quan là không đúng. Tranh chấp diễn ra giữa bà Tưởng với ông Khang và con rể ông nhưng tòa không xác định người con rể liên quan đến vụ án là không đúng. Thứ hai, tòa không sao lục được giấy đỏ đã cấp cho ông Khang là thiếu chứng cứ quan trọng. Tòa cũng không sao lục được sổ mục kê đối với phần đất tranh chấp mà bà Tưởng kê khai để xem có thửa đất số 23 hay không, bởi tòa nhận định có thửa số 23 trong khi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện nói không.

Thứ ba, vụ tranh chấp đang diễn ra nhưng tháng 3-2012 giữa ông Khang và một công ty lại lập biên bản thỏa thuận nhận số tiền bồi thường hơn 2,5 tỉ đồng và ra quyết định chi trả cho ông Khang. Trong khi tòa chưa yêu cầu UBND huyện có ý kiến để làm rõ việc có chủ trương cho phép các hộ dân tự thương lượng với chủ đầu tư để nhận tiền đền bù hay không, chưa kể dự án này còn chưa có phương án phê duyệt bồi thường tổng thể.

Thứ tư, bản án đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn khi chưa xem xét đầy đủ chứng cứ. Cụ thể, cả bà Tưởng và ông Khang đều cung cấp giấy mua bán đất với ông Thời vào năm 1993. Hồ sơ có lời khai của cán bộ địa chính xã cho rằng ông Thời bán cho chồng bà Tưởng (ông này đã chết) trước khi bán cho ông Khang và con rể ông. Trước khi ra tòa phía ông Khang đã có ý trả lại đất cho bà Tưởng với điều kiện ông Thời phải trả lại tiền đất nhưng ông Thời không trả và phía ông Khang vẫn quản lý, sử dụng đất. Ngoài ra, khi các bên tranh chấp, UBND xã biết rõ nhưng vẫn đề nghị huyện cấp giấy cho ông Khang là không đúng. Năm 2003, UBND huyện đã thừa nhận việc cấp giấy phần đất tranh chấp cho ông Khang là sai sót nên thu hồi lại. Năm 2013, tại công văn trả lời cho tòa, UBND huyện cũng khẳng định việc cấp giấy đỏ phần đất tranh chấp cho ông Khang là sai sót…

Theo VKS, hồ sơ có nhiều chứng cứ thể hiện việc ông Thời đã chuyển nhượng diện tích đất tranh chấp cho chồng bà Tưởng trước khi bán cho cha con ông Khang nhưng tòa không xem xét.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm