Tòa quên một ý, dân tốn trăm triệu thuê luật sư

Mới đây, TAND tỉnh Cà Mau có văn bản từ chối bồi thường Nhà nước đối với bà Trần Thu Cúc, ngụ phường 2, TP Cà Mau. Bà Cúc ấm ức nên tiếp tục khiếu nại, bởi bà cho rằng thiệt hại của bà quá lớn mà lỗi rõ là của TAND tỉnh Cà Mau.

Giám đốc thẩm đã lưu ý, sơ thẩm vẫn không lưu tâm

Từ năm 2009, bà Cúc bị hai người anh em ruột khởi kiện đòi chia quyền thừa kế căn nhà tại 43 Lý Bôn, phường 2, TP Cà Mau mà bà Cúc đang quản lý, sử dụng (có trị giá khoảng 3 tỉ đồng). Vụ án được xét xử hai lần sơ thẩm, hai lần phúc thẩm, kéo dài bảy năm qua nhưng đến nay chưa có hồi kết.

Vào tháng 7-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ hai bản án dân sự sơ thẩm năm 2009 của TAND tỉnh Cà Mau và dân sự phúc thẩm năm 2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Quyết định này nêu rõ các bản án sơ, phúc thẩm trên không tính đến công sức chăm sóc cha mẹ già và công quản lý tài sản của bà Cúc là thiếu sót. Cùng với nhiều lý do khác, quyết định này đề nghị cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án, trong đó đặc biệt lưu ý đến công lao của bà Cúc.

Thế nhưng khi xét xử lại vào ngày 25-9-2015, TAND tỉnh Cà Mau lại không đề cập đến phần công lao của bà Cúc khi phán quyết. Sơ suất này là nguyên nhân chính dẫn đến việc TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án vào ngày 11-7-2016.

Từ thiếu sót của TAND tỉnh Cà Mau, bà Trần Thu Cúc phải hầu kiện ít nhất thêm hai phiên tòa nữa. Ảnh: TRẦN VŨ

Mất tiền thuê luật sư và chi phí hầu kiện

Bà Cúc bức xúc: “Tôi quá mệt mỏi, quá tốn kém, quá ấm ức vì vụ án cứ kéo dài hết năm này sang năm khác. Mới đây, chúng tôi có đơn đề nghị tòa án bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, tòa lại bác đơn dù lỗi của họ được tòa cấp trên xác định rất rõ ràng”.

Trong đơn đề nghị bồi thường, bà Cúc cho rằng vì sự quên nói trên của TAND tỉnh Cà Mau mà bà đã mất oan số tiền thuê luật sư 123 triệu đồng; chi phí đi lại nhiều lần để hầu kiện 10 triệu đồng. Cộng với số tiền tổn thất tinh thần 70 triệu đồng, bà đề nghị TAND tỉnh Cà Mau bồi thường tổng cộng trên 200 triệu đồng.

Bà Cúc cho biết: Tại trang thứ sáu của bán án này nhận định: “Xét thấy cấp sơ thẩm nhận định đúng về hàng thừa kế, di sản của người chết để lại và việc phân chia di sản là phù hợp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc phân chia đó không tính đến công sức chăm sóc cha mẹ và quản lý nhà đất của bà Cúc là thiếu sót, trong khi nội dung này đã bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị… Xét thấy thiếu sót này của cấp sơ thẩm là nghiêm trọng…”.

Tòa: Không thuộc trường hợp bồi thường

Ngày 3-10, TAND tỉnh Cà Mau có công văn từ chối bồi thường cho bà Cúc với lý do chưa có quy định phải bồi thường trong trường hợp này.

Bà Cúc bức xúc: “Kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đều đề cập nội dung này. Vậy mà TAND tỉnh Cà Mau lại bỏ qua. Theo tôi, đó là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ, phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định rõ tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2012 về bồi thường nhà nước trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Trong thông báo trả lời bà Cúc, TAND tỉnh Cà Mau cũng dựa vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 01/2012 để từ chối. Tòa cho rằng các quy định này nêu rõ văn bản xác định hành vi ra bản án trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của tòa án là “bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật…”.

Các trường hợp tòa án có trách nhiệm bồi thường

Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong các trường hợp sau đây:

(…) Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án khi có đủ hai điều kiện sau đây: a) Bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; b) Có văn bản xác định hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 3 thông tư liên tịch này.

Văn bản xác định hành vi trái pháp luật

(…) Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án là một trong các văn bản sau đây:

a) Bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người đã tiến hành tố tụng đó phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án;

(…)

c) Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án xác định người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong trường hợp người đã tiến hành tố tụng chưa bị khởi tố hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi này thì bị chết.

d) Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đối với người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong trường hợp người đã tiến hành tố tụng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này.

(Trích Điều 2 và Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2012 của
TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm