Tòa quên tổng hợp hình phạt, bị kháng nghị

Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên vừa kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND huyện Tây Hòa trong vụ Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Lai cưỡng đoạt tài sản của một chủ trại dưa ở địa phương.

Giở thói côn đồ để xin đểu

Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ ngày 1-5-2016, Cảnh (có nhiều tiền án, tiền sự vì trộm cắp, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…) cùng Lai đến trại dưa của anh Võ Văn Truyện ở thôn Thành An, xã Sơn Thành Đông chặn xe không cho chở dưa đi và hỏi xin tiền tài xế. Anh Truyện gặp Cảnh, Lai hỏi tiền gì mà xin thì cả hai hung hăng nói: “Giờ tụi tôi không xin nữa mà làm luật, ông phải đóng tiền đường tụi tôi mới cho xe chở dưa đi qua”.

Anh Truyện sợ không chở dưa đi kịp thì dưa sẽ bị hư thối, bán không được nên gọi điện thoại cho trưởng thôn Thành An đến giải quyết. Trưởng thôn đến hỏi Cảnh, Lai thu tiền đường gì thì bị Cảnh, Lai đe dọa, nói: “Chuyện của tụi tôi không liên quan gì đến ông” và đòi đánh, trả thù.

Trưởng thôn sợ nên bỏ về. Cảnh, Lai tiếp tục đe dọa nếu anh Truyện không đưa 4-5 triệu đồng thì sẽ không cho xe chở dưa đi. Anh Truyện sợ, năn nỉ đưa 1 triệu đồng thì Cảnh và Lai nhận và chia nhau tiêu xài. Sau đó Cảnh bỏ trốn, đến ngày 14-6-2017 thì bị bắt theo lệnh truy nã.

Tòa quên tổng hợp hình phạt

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện Tây Hòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt Cảnh 15-18 tháng tù, Lai 12-15 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Riêng với Lai, đại diện VKS đề nghị tổng hợp hình phạt một năm sáu tháng cải tạo không giam giữ của một bản án phúc thẩm ngày 25-8-2017 của TAND tỉnh Phú Yên, buộc Lai phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án.

Theo HĐXX, Cảnh có nhân thân xấu, đã bị kết án về tội cố ý gây thương tích và tội cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội do cố ý nên lần phạm tội này thuộc trường hợp tái phạm. Sau khi phạm tội, Cảnh bỏ trốn gây khó khăn cho CQĐT nên cần phạt mức án nghiêm khắc.

Còn Lai phạm tội với vai trò thứ yếu, ngoài lần phạm tội này còn phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản, ngày 25-8-2017 bị TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm phạt một năm sáu tháng cải tạo không giam giữ. Vì vậy, cũng phải xử phạt nghiêm khắc đối với Lai nhưng mức án thấp hơn so với Cảnh.

Từ đó HĐXX đã phạt Cảnh một năm sáu tháng tù, Lai một năm ba tháng tù.

Điều đáng nói là HĐXX không nhận định gì và tại phần quyết định của bản án cũng không quyết định về việc tổng hợp hình phạt đối với Lai. Vì vậy, mới đây viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên đã ký kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 51 BLHS để tổng hợp hình phạt đối với bị cáo này.

Theo văn bản kháng nghị, khoản 1 Điều 51 BLHS quy định: Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Ở đây, Lai đang chấp hành hình phạt một năm sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 25-8-2017 của TAND tỉnh Phú Yên thì lại bị đưa ra xét xử về hành vi cưỡng đoạt tài sản thực hiện ngày 1-5-2016, trước khi có bản án phúc thẩm nói trên. Vì vậy, khi xét xử tội cưỡng đoạt tài sản, tòa sơ thẩm phải căn cứ vào quy định tại Điều 51 BLHS để tổng hợp hình phạt đối với bị cáo. Việc không tổng hợp hình phạt đối với bị cáo là chưa áp dụng đúng quy định của BLHS.

Chuyển đổi thành án tù ra sao?

Theo khoản 1 Điều 50 BLHS, khi xét xử một người phạm nhiều tội, nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Hình phạt chung trong trường hợp này không được vượt quá 30 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm