Tòa tối cao thống nhất việc tính án phí ly hôn

Ngày 11-4-2017, TAND Tối cao đã có Công văn số 72 thống nhất áp dụng quy định về án phí trong vụ án ly hôn.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh thực tế đang có vướng mắc về việc xác định án phí trong trường hợp các đương sự thuận tình ly hôn khi giải quyết vụ án ly hôn theo quy định tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 tại các tòa.

Và để bảo đảm áp dụng thống nhất, TAND Tối cao có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 thì “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”.

Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì môi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”.

Quy định tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là kế thừa, giữ nguyên quy định tại khoản 4 Điều 131 BLTTDS năm 2004. Do không có sự thay đổi về nội dung của luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa có hướng dẫn khác nên đối với vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn thì áp dụng tương tự hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án).

Cụ thể, trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).

TAND Tối cao yêu cầu các chánh án TAND Cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các đơn vị TAND Tối cao sau khi nhận được công văn này cần tổ chức quán triệt tới các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án trong cơ quan, đơn vị mình và TAND quận, huyện, thị xã thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để áp dụng thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm