Tòa từ chối trả lời luật sư, được không?

Mới đây (19-9), TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ ly hôn của vợ chồng ông L. Theo đó, ông L. yêu cầu được ly hôn với bà H. và được chia một thửa đất trong số hai thửa đất mà ông cho là tài sản chung.

Trước trả lời, sau từ chối?

Đáng chú ý, tại phiên tòa, trong phần hỏi, luật sư bảo vệ cho cha mẹ bà H. (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã nêu ra hai vấn đề yêu cầu HĐXX giải đáp.

Vấn đề thứ nhất, khi ông L. nộp đơn ly hôn với bà H. và yêu cầu được chia một thửa đất thì cha mẹ bà H. cũng có đơn khởi kiện yêu cầu hủy hai hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa cha mẹ bà H. với vợ chồng ông L. vì cho rằng mình bị lừa dối. Sau đó, tòa đã nhập hai vụ kiện lại để giải quyết chung. Theo luật sư, khi nhập án phải được sự đồng ý của người khởi kiện, tại sao tòa lại nhập vụ án chỉ theo yêu cầu của ông L. mà không hỏi ý kiến của cha mẹ bà H.?

Vấn đề thứ hai, luật sư cho rằng UBND quận Bình Thạnh là người được tòa triệu tập để tham gia phiên tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo luật sư, chủ tịch UBND là người đại diện cho UBND tham gia phiên tòa hoặc chỉ được ủy quyền cho cấp phó đại diện tham gia phiên tòa và người này không được ủy quyền lại cho người khác. Vậy đại diện UBND quận Bình Thạnh tham gia trong vụ án này là ai?

Trước hai câu hỏi này của luật sư, HĐXX đã quyết định tạm nghỉ để hội ý. Sau thời gian tạm nghỉ, HĐXX đã giải đáp hai vấn đề trên.

Về vấn đề thứ nhất, HĐXX cho rằng luật không quy định khi tòa nhập hai vụ kiện thì phải hỏi ý kiến của cha mẹ bà H. Bởi lẽ theo Điều 42 BLTTDS, tòa án được nhập hai hoặc nhiều vụ án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. Cũng theo HĐXX, khi nhập vụ án, tòa án chỉ phải ra quyết định và gửi ngay cho VKS cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mà không phải hỏi ý kiến của đương sự.

Về vấn đề thứ hai, HĐXX cho rằng theo quy định của khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính thì chủ tịch UBND cấp quận chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đây là vụ án dân sự và UBND tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên chiếu theo Điều 85 và Điều 87 BLTTDS thì chủ tịch UBND được ủy quyền cho người có chuyên môn nghiệp vụ tham gia.

Sau khi nghe HĐXX giải đáp, luật sư tiếp tục đặt câu hỏi với HĐXX: Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ủy quyền cho “người có chuyên môn nghiệp vụ” là ai? Điều luật nào quy định?

Đến đây, chủ tọa phiên tòa cho rằng HĐXX không có nghĩa vụ trả lời mọi thắc mắc của người tham gia phiên tòa và tiếp tục xét xử mà không trả lời câu hỏi của luật sư nữa.

Tòa không có nghĩa vụ trả lời

Tình huống trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Theo quy định hiện hành, HĐXX có nghĩa vụ trả lời thắc mắc của đương sự, luật sư bảo vệ đương sự về những vấn đề có liên quan tới vụ án hay không? Nếu có thì ở phần nào (thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần hỏi, phần tranh luận…) của phiên tòa?

Theo luật sư Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa (Điều 239 BLTTDS), sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, phổ biến quyền và nghĩa vụ của đương sự cùng những người tham gia tố tụng khác thì đương sự, người bảo vệ đương sự có quyền nêu ra yêu cầu của mình theo quy định của BLTTDS và đề nghị HĐXX xem xét, giải quyết. Trường hợp HĐXX đã trả lời đối với yêu cầu của đương sự, người bảo vệ đương sự nhưng đương sự, người bảo vệ đương sự vẫn tiếp tục yêu cầu HĐXX xem xét, giải quyết tiếp yêu cầu đó thì HĐXX có quyền không trả lời lại.

Cạnh đó, nếu đương sự hoặc người bảo vệ đương sự không đồng ý với cách trả lời của HĐXX thì có quyền nêu lại nội dung đã yêu cầu HĐXX xem xét, giải quyết tại phần tranh luận.

Tuy nhiên, ở phần hỏi, sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ đương sự theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa sẽ được hỏi các đương sự theo thứ tự hỏi tại Điều 249 BLTTDS mà không được đặt bất kỳ câu hỏi nào cho HĐXX. Điều đó có nghĩa là HĐXX không có nghĩa vụ trả lời câu hỏi của luật sư.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) còn cho rằng đối với hai vấn đề thắc mắc của luật sư, HĐXX đã giải đáp đúng theo quy định của pháp luật. Riêng đối với việc đại diện UBND tham gia tố tụng dân sự, TS Tiến cũng giải thích thêm trong vụ án dân sự thì chế độ đại diện áp dụng theo quy định của BLDS. Mà theo Điều 137, Điều 138 BLDS 2015 thì việc chủ tịch UBND ủy quyền cho cán bộ chuyên môn tham gia phiên tòa là không trái quy định.

Chỉ được đưa ra yêu cầu trong phần thủ tục

Theo nội dung bài báo, luật sư bảo vệ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi hỏi các đương sự xong thì hỏi luôn HĐXX về việc nhập vụ án và người được ủy quyền của UBND quận. Lẽ ra những vấn đề này phải được luật sư đưa ra tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Sau khi thư ký phiên tòa báo cáo, chủ tọa sẽ kiểm tra, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Khi đó, các đương sự, người bảo vệ đương sự... sẽ được quyền có ý kiến. HĐXX sẽ trả lời và giải quyết các vấn đề như: Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt; bảo đảm tính khách quan của người làm chứng; xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu; thay đổi địa vị tố tụng; công nhận sự thỏa thuận của các đương sự…

Sau khi trình bày xong thì theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, các đương sự và người bảo vệ của mình bắt đầu phần hỏi. Theo Điều 70 và Điều 76 BLTTDS thì đương sự hoặc người bảo vệ đương sự có quyền đưa ra câu hỏi với người tham gia tố tụng khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với tòa những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng…

Tóm lại, những vấn đề mà luật sư của người liên quan trong vụ án nêu ra có thể được giải quyết trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Khi đã chuyển sang phần tranh tụng thì đương sự và luật sư không còn quyền đưa ra yêu cầu và HĐXX cũng không có nghĩa vụ xem xét các yêu cầu đó. HĐXX sau khi lắng nghe các bên trình bày, tranh luận thì sẽ nghị án và đưa ra phán quyết bằng bản án hoặc tạm dừng phiên tòa để thu thập, xác minh bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm