Tòa tuyên 5 bị cáo trắng án, người dân khóc nức nở

Chiều 1-6, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên bố kiểm lâm Phan Tiến Dũng và bốn bị cáo khác không phạm tội trộm cắp tài sản trong vụ cưa cây gỗ chết khô mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh.

Hình sự hóa vi phạm hành chính

Theo hồ sơ, tháng 4-2016, kiểm lâm Dũng để cho bốn người dân là Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy bản án sơ thẩm nhưng xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 31-5, vụ án được TAND tỉnh Kon Tum đưa ra xử phúc thẩm lần hai. Tại phiên tòa, bốn luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Văn phòng LS Lê Văn), Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty Luật LNT & Partners), Trần Cao Đại Kỳ Quân (Công ty Luật Tri Ân), Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) khẳng định năm bị cáo vô tội.

Theo các LS, theo Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, chỉ có thể xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS cũ) khi cây gỗ trắc các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo cưa cây gỗ trắc chết khô lại là rừng đặc dụng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, nếu xem xét xử lý các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS cũ) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3) nên chưa đủ định lượng để khởi tố. Việc các bị cáo chặt cây gỗ trắc dù đã chết khô rõ ràng là có vi phạm nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó, không thể chỉ đáng xử hành chính mà lại quyết xử hình sự cho bằng được.

Thông tư liên tịch số 19/2017 là mấu chốt chứng minh năm bị cáo có phạm tội hay không nhưng có những lúc đại diện VKS tỉnh không tranh luận với các LS. Khi căng thẳng được đẩy lên, đại diện VKS chỉ thốt lên: “Đây là quan điểm của cơ quan chúng tôi, tôi chỉ đại diện thôi. Hãy để HĐXX quyết định”.

Các bị cáo ôm chầm lấy các luật sư để cám ơn. Ảnh: N.NGA

Tòa phúc thẩm: Chỉ có thể phạt hành chính

Chiều 1-6, HĐXX đã tuyên án, chấp nhận toàn bộ lời bào chữa của cả bốn LS, tuyên kiểm lâm Dũng và bốn bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. HĐXX khẳng định rằng hành vi của các bị cáo chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Khi chủ tọa phiên tòa đọc bản án, thấy lời bào chữa của các LS được HĐXX chấp nhận, hàng trăm người dân dự khán phiên tòa đã vỗ tay dồn dập hưởng ứng khiến chủ tọa phải nhắc nhở mọi người giữ trật tự.

Đến khi chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên tòa, rất nhiều người đã nhảy lên sung sướng, chạy ào lên bàn của các vị LS đang ngồi để chúc mừng. Người thì tay bắt tay hớn hở, người thì ôm chầm lấy các bị cáo. Rồi những tiếng nấc nức nở xen lẫn với những khuôn mặt rạng ngời rộn rã cả sân tòa…

Niềm vui khó nói hết thành lời

Phiên tòa kết thúc, mạnh mẽ như bị cáo Lê Quốc Khánh cũng chỉ biết lấy tay quệt nước mắt, mãi mới nói nên lời: “Từ nay trở đi anh không phải cạo trọc đầu để đi tù nữa rồi. Không thể tin được đây là sự thật, em phóng viên à!”. Bên cạnh anh, người vợ ôm bụng bầu vượt mặt quệt nước mắt lã chã. Trước khi xử, lúc nào gia đình anh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là có thể anh sẽ bị còng tay đưa về trại bất cứ lúc nào.

Anh kiểm lâm Phan Tiến Dũng hôm trước mặc áo màu xanh, hôm qua mặc áo đỏ và mang theo chiếc ba lô đỏ vì đã xác định “một ở lại với vợ con, hai vào trại”. Chiều hôm trước, anh về nhà sau vợ, chưa thấy anh, các con nhỏ lo lắng: “Bố bị bắt rồi hả mẹ?”. Vợ anh là cô giáo mầm non phải trấn an các con. Ở với gia đình, anh chị luôn phải nén nỗi đau, lúc nào cũng phải cố cười nói. “Nhiều lúc cũng thương bố mẹ ở quê, ông bà buồn lắm vì thế mà suy giảm trí nhớ. Cả gia đình có truyền thống là đảng viên, đôi lúc áp lực vô cùng. Nhiều lúc buồn cứ lủi thủi một mình, cố làm việc gì cho hết buồn, còn bị địa phương nhận xét gia đình có người vi phạm pháp luật nên chỉ đạt loại trung bình. Đến khi báo chí vào cuộc họ mới dần thay đổi nhận thức” - anh Dũng nhớ lại.

Bị cáo Nguyễn Văn Bảy, người gầy rộc, lúc nào cũng có vẻ buồn rầu. Ban đầu anh lo lắm, mỗi lần đến tòa là đứa con nhỏ mới đi mẫu giáo cứ kéo áo anh lại không cho đi: “Ba đừng đi tù, ở nhà chở con đi học”. Lúc xử sơ thẩm lưu động, cán bộ còn mang loa đi rao khắp nơi, bé nghe được hỏi: “Ba đi ăn trộm à?”. Lòng anh đau như cắt. Rồi có tháng anh nhận tới khoảng 30 cái thư mời đến các cơ quan để giải quyết đơn khiếu nại, đi nhiều quá anh phát nản. Bỗng chẳng hiểu vì đâu có những kẻ lạ mặt cứ ném đá vào nhà anh. Sợ quá, anh phải đưa vợ con qua nhà người thân trú ngụ.

Bao nhiêu nỗi đau khó có thể nói được hết, chỉ biết hai năm qua cả năm bị cáo người thì bán rẫy, người thì cầm sổ vay ngân hàng chồng chất. Nhưng giờ thì vui rồi, các anh có thể yên tâm ổn định cuộc sống để trả nợ ngân hàng.

“Chúng tôi cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM, cám ơn bốn LS đã kiên trì lặn lội từ Sài Gòn, Đồng Nai về tận Kon Tum để bào chữa miễn phí cho chúng tôi” - anh Dũng rưng rưng.

Mọi người cứ khóc, cứ nói cười rộn rã. Khi người dân ra về hết, các anh chạy đi tìm thẩm phán để cám ơn vì “HĐXX đã rất dũng cảm tuyên chúng tôi không phạm tội”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm